Thu hồi giấy phép của 2 dự án sân golf

Sau hơn 1 năm tiến hành kiểm tra hiện trạng thực hiện của 7 dự án sân golf đã được cấp phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/2, Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã yêu cầu các sở ngành tiến hành thu hồi 2 dự án sân golf tại quận 9, quận Thủ Đức.

Sau hơn 1 năm tiến hành kiểm tra hiện trạng thực hiện của 7 dự án sân golf đã được cấp phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/2, Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã yêu cầu các sở ngành tiến hành thu hồi 2 dự án sân golf tại quận 9, quận Thủ Đức.

Trên thực tế, chỉ có hai dự án được thành phố cấp phép là bị “thổi còi”, còn lại 5 dự án sân golf khác, với diện tích hơn 1.000ha vẫn ung dung “nằm chờ thời”. Lý do là giấy phép của 5 dự án này được các Bộ, ngành Trung ương cấp nên Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ biết nhắc nhở và kiến nghị.

Căn cứ theo nội dung giấy phép của 7 dự án sân golf trên địa bàn thành phố, thì phần đất dành cho golf là 648 ha trong tổng số hơn 1.400 ha được quy hoạch. Đi kèm các dự án sân golf là hàng loạt hạng mục như biệt thự cho thuê, nhà vườn, chung cư cao tầng, trung tâm thương mại dịch vụ...

Minh chứng rõ nhất là dự án sân golf 36 lỗ được triển khai xây dựng tại sân bay Tân Sơn Nhất vừa hoàn thành xong quy hoạch chỉ tiết tỷ lệ 1/2000, thì ngay sau đó hàng loạt những thông báo rao bán biệt thự tại dự án này đã được tung ra trong giới kinh doanh địa ốc.

Lịch sử golf của thành phố bắt đầu được các lập từ 1992, với dự án sân golf Hoa Việt rộng hơn 300ha, tại phường Long Thạnh Mỹ, quận 9. Sau dự án này, các sở ngành thành phố đã tiến hành quy hoạch nhiều khu đất nông nghiệp, đất đồi ở các huyện ngoại thành như quận 9, Tân Bình, quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi.

Vì lợi nhuận của bất động sản trong một thời gian dài quá lớn nên hầu hết các dự án sân golf đều triển khai chậm với lý do cần điều chỉnh quy hoạch để tăng diện tích biệt thự, giảm diện tích golf. Theo các chuyên gia địa ốc, các dự án golf chủ yếu kinh doanh bất động sản và bán thẻ hội viên, chứ việc thu phí của khách chơi golf hiện chỉ từ 100-250 USD/ngày/lượt thì không thể thu hồi lại khoản vốn đầu tư!

Để hợp thức hóa việc này, nhiều chủ dự án đã dùng chiêu “thu hồi đất chậm vì giá đền bù cao” để chờ nguồn vốn của những đại gia địa ốc. Điển hình như dự án sân golf Rạch Chiếc được cấp giấy phép xây dựng từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống vì mới thu hồi được 57% diện tích đất được giao vì người dân không chịu giao đất do không đồng ý giá đền bù đất. Đây là hiện trạng của sân golf 18 lỗ thuộc Khu liên hợp sân golf -thể dục thể thao-nhà ở, tại phường An Phú, quận 2 do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng và diện tích dự kiến sử dụng là 137,44ha. Từ năm 2001 đến nay, chủ đầu tư chỉ bồi thường được hơn 80ha đất nông nghiệp, với tổng số tiền bồi thường là hơn 167 tỉ đồng.

Còn tại huyện Bình Chánh, một dự án sân golf 18 lỗ khác cũng đạt kỷ lục về tiến độ xây dựng “rùa bò” và các đơn vị tham gia đầu tư góp vốn cầm chừng là sân golf Sing- Việt do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đô thị Sing-Việt làm chủ đầu tư. Theo giấy phép đầu tư do Bộ KH&ĐT, cấp năm 1999, tổng diện tích dự án là 300ha, bao gồm 160ha xây dựng khu đô thị mới, 70ha sân golf và 69ha khu trường đua ngựa, với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD. Thế nhưng, hơn 9 năm đã trôi qua, đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy. Còn phần vốn của chủ đầu tư bỏ ra mới hơn 41 tỷ đồng, chiếm 2,08% so với tổng vốn đầu tư.

Vì đất bỏ trống nên nhiều xóm nấu phế liệu thủ công đã vô tư mọc lên và gây ô nhiễm nghiêm trọng các khu dân cư lân cận. Lực lượng cảnh sát môi trường đã liên tục “kêu” về tỉnh trạng các lò nấu chất nhớt thải nằm trong khu rừng tràm thuộc dự án sân golf vẫn ngày đêm nổi lửa. Còn các nhà báo cũng nhiều lần chất vấn chính quyền huyện Bình Chánh về việc tại sao không kiến nghị thu hồi dự án sân golf chậm triển khai này, nhưng đều nhận được câu trả lời với nội dung: đã báo lên cấp trên.

Sau quá trình kiểm tra, Ban Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kết luận: Thực chất dự án sân golf chỉ phục vụ cho người có thu nhập cao. Tuy là trò vui chơi giải trí thể dục thể thao nhưng cộng đồng dân cư không được hưởng lợi, do bị cách biệt ranh giới dự án. Mặt khác, hiệu quả đem lại từ các sân golf còn chưa rõ ràng về các khoản thu cho ngân sách như đất đai, thuế và công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương.

Với vai trò là cơ quan gác cổng về đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét lại mật độ sân golf, hiệu quả đầu tư, quy hoạch. Đồng thời xem xét lại các dự án giữ đất quá lâu, năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế; nếu quá tiến độ cam kết, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng thì giao các cơ quan chức năng đề xuất biện pháp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư.

Thế nhưng vì những quy định về thẩm quyền thu hồi giấy phép cũng như nhiều lý do tế nhị khác, chỉ có 2 dự án sân golf bị thu hồi giấy phép là dự án sân golf của Công ty Cổ phần Sài Gòn Gôn, Công ty liên doanh Yonwoo- Vạn Phúc. Lý do thu hồi là việc tiếp tục đầu tư vào hai dự án sân golf này thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay xem ra không ổn, chưa kể theo dự báo hiệu quả sẽ rất thấp.

Cụ thể, dự án sân golf 18 lỗ Vườn Dừa do Công ty Cổ phần Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư tại phường Long Trường, quận 9, với diện tích 156ha, vốn đầu tư 45,6 triệu USD. Dù chỉ có 41 hộ dân được bồ thường và đa phần đất đền bù là đất công, thế nhưng dự án cũng chưa làm đến đâu.

Dự án kế tiếp bị “thổi còi” là sân golf 27 lỗ trong khu dân cư và công viên giải trí Hiệp Bình Phước do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Yonwoo liên doanh cùng Công ty Vạn Phúc làm chủ đầu tư tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Dự án được cấp phép với mục đích đầu tư xây dựng khu đô thị hiện đại hoàn chỉnh bao gồm: sân golf, biệt thự, chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê… đạt tiêu chuẩn quốc tế với tổng diện tích là 160 ha, vốn điều lệ 250 triệu USD. Thực tế, trước khi dự án trên được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì người dân ở trong khu đất này đã bị “treo” nhiều quyền lợi do khu vực này bị quy hoạch từ năm 1994.

Như vậy, với quyết tâm xử lý “trong nhà là chính”, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thực sự “mạnh tay” đối với 5 dự án sân golf còn lại. Hay nói khác hơn “cá lớn vẫn lọt lưới”, và hơn 1.000ha đất đô thị vẫn đang bị “treo” trong khi các quận huyện lại phải giải tỏa thêm đất của người dân để xây dựng các công trình phúc lợi khác./.

(Tin tức/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục