Thụ hưởng miễn phí cản bước công nghiệp văn hóa

Mỹ thuật và phần mềm có nội dung sáng tạo được đánh giá là tiềm năng nhất để phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam...
Sẽ phải cần cả một quá trình để những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, nhiều người cùng thụ hưởng được bày bán, trình chiếu rộng rãi và tạo được nguồn thu cho xã hội. Đó là lý do “công nghiệp” xuất hiện cùng với “văn hóa”. Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng như khung chính sách hợp lý… nhưng chúng ta vẫn phải phát triển công nghiệp văn hóa, đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tiến sĩ Nguyễn Văn Tình với phóng viên Vietnam+.
- Các nước trên thế giới phân loại các ngành công nghiệp văn hóa thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tình: Các nước trên thế giới phân loại các ngành công nghiệp văn hóa-sáng tạo khác nhau, nhưng tựu chung bao gồm: nghệ thuật biểu diễn (trong đó có âm nhạc, múa, kịch, múa rối, xiếc, các loại hình dân ca…), thiết kế mỹ thuật, thời trang, mỹ thuật, nhiếp ảnh và galerries, bảo tàng, di sản văn hóa, báo chí, in ấn-xuất bản, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, phần mềm có nội dung văn hóa, thủ công mỹ nghệ và các dịch vụ văn hóa sáng tạo.
- Theo ông, cơ hội để Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa có khả quan không, khi mà mức thu nhập của chúng ta mới chỉ ở mức thu nhập sinh tồn, trong khi ở những nền kinh tế có thu nhập bình quân từ 10.000-15.000USD trở lên mới có cơ hội phát triển công nghiệp văn hóa?
Tiễn sĩ Nguyễn Văn Tình: Tôi nghĩ, dù thu nhập bình quân như vậy nhưng Việt Nam vẫn rất cần phải phát triển công nghiệp văn hóa chứ, vì nước nào cũng cần làm vậy cả. Tôi lấy ví dụ ở Hàn Quốc, công nghệ phần mềm của họ rất phát triển, làn sóng âm nhạc và phim điện ảnh, truyền hình lan khắp châu lục… Nhật Bản thì có thị trường truyện tranh, phim hoạt hình… Ở Việt Nam, không thể phát triển hết tất cả các loại hình mà phải khai thác và phát triển loại hình nào mình có tiềm năng nhất. - Tiềm năng đó ở Việt Nam là gì, thưa ông?Tiến sĩ Nguyễn Văn Tình: Theo tôi là mỹ thuật và phần mềm có nội dung văn hóa. Tiếp theo, đó là điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn và các loại hình công nghiệp văn hóa khác. Trong khu vực Đông Nam Á, mỹ thuật Việt Nam từ trước đến nay được đánh giá cao. Họa sĩ Việt Nam rất tài năng và bán được tranh. Thậm chí, bảo tàng mỹ thuật bên Singapore còn có chính sách sang Việt Nam mua tranh về treo. Công nghệ thông tin mà đặc biệt là phần mềm cũng có tốc độ phát triển rất nhanh. Ví dụ như Công ty VNG (Vinagame Việt Nam) vào năm đầu tiên hoạt động doanh thu chỉ 70 tỷ đồng, đến năm 2009 con số này đã tăng lên tới 2.500 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ sức hút của thị trường công nghệ thông tin rất lớn và tiềm năng. - Có tiềm năng, nhưng thực tế cho thấy mức chi dùng văn hoá của người Việt không cao, điều đó kéo theo việc không thể kích cầu cho các tổ chức văn hoá nghệ thuật, cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Vậy có cách nào kích cầu mức chi dùng văn hóa này không?
Tiễn sĩ Nguyễn Văn Tình:
Quả đúng là “có thực mới vực được đạo”, kinh tế có phát triển thì chi dùng văn hóa mới lên được. Ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển càng mạnh thì công chúng càng dễ dàng tiếp cận với các loại hình văn hóa. Tuy nhiên, mặt trái của việc thụ hưởng miễn phí ấy là dẫn đến thói quen nhiều người không chịu bỏ tiền ra mua vé để đến với các chương trình văn hóa nghệ thuật...
Và, đúng là khó để kích cầu mức chi dùng văn hóa khi đang có quá nhiều người Việt có thói quen thích được cung cấp miễn phí dịch vụ và các giá trị tinh thần như thế. Nhưng tôi cho rằng, vẫn phải phát triển công nghiệp văn hóa chứ không thể không. Tôi nghĩ, Nhà nước nên tập trung vào việc chống ăn cắp bản quyền, nếu làm không triệt để sẽ rất nguy hiểm. Luật bản quyền đã có nhưng chúng ta mới chỉ đang vận động là chủ yếu. - Vậy ông dựa vào tiêu chí nào để xác định các lĩnh vực mũi nhọn nêu trên cho công nghiệp văn hóa ở Việt Nam?
Tiễn sĩ Nguyễn Văn Tình:
Ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo ở nước ta mới ở giai đoạn bắt đầu hình thành và phát triển cả mặt lý luận, nghiên cứu khoa học, chính sách và thực tế hoạt động.
Tiêu chí để tôi lựa chọn các ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn ở Việt Nam như đã nói trước hết là xuất phát từ nhu cầu của thị trường văn hóa đó, cả thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Thứ hai là khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường văn hóa của ngành công nghiệp văn hóa nước ta. - Ông có thể nói rõ lộ trình để công nghiệp nền mỹ thuật Việt Nam, cụ thể chúng ta sẽ làm những việc gì?Tiến sĩ Nguyễn Văn Tình: Trước hết, chúng ta phải tiến hành các nghiên cứu khảo sát toàn diện về hiện trạng công nghiệp văn hóa Việt Nam để từ đó xác định được vai trò, đóng góp của công nghiệp văn hóa đối với toàn bộ sự phát triển của nền kinh tế, xã hội quốc gia. Tiếp theo, xác định được những loại hình công nghiệp văn hóa nào có tiềm năng phát triển nhất, từ đó đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ mà mỗi ngành công nghiệp văn hóa phải đạt được trong một thời gian nhất định. Trên cơ sở đó, mới đề ra những giải pháp cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Cảm ơn ông.
Công nghiệp văn hóa là việc sản xuất, tái sản xuất và truyền bá các dịch vụ văn hóa và sản phẩm văn hóa được tạo ra bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa; là ngành nghề sản xuất sản phẩm văn hóa và cung cấp dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa lấy sự thỏa mãn nhu cầu văn hóa của mọi người làm mục tiêu chủ yếu.

Công nghiệp văn hóa là loại hình công nghiệp phát triển đặc biệt mạnh mẽ vào giữa thế kỷ XX. Đó là sản phẩm kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật cao với sự nghiệp văn hóa, thể hiện xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau.

(Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương - Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam)
Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục