Thu hút các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông

Trong bối cảnh năm nay Chính phủ tiếp tục thắt chặt chi tiêu công, vốn dành cho xây dựng hạ tầng giao thông sẽ thiếu trầm trọng.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã đề ra, đòi hỏi ngành giao thông vận tải phải có cơ chế để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cho lĩnh vực then chốt này.
Trong bối cảnh năm nay Chính phủ tiếp tục thắt chặt chi tiêu công, vốn dành cho xây dựng hạ tầng giao thông sẽ thiếu trầm trọng.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã đề ra, đòi hỏi ngành giao thông vận tải phải có cơ chế để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cho lĩnh vực then chốt này.

Cần hơn 480.000 tỷ đồng đầu tư

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Tấn Viên cho biết, kế hoạch từ nay đến năm 2015, để tạo bước đột phá mạnh mẽ, nâng cao một cách rõ nét năng lực thông qua hệ thống kết cấu hạ tầng, ngành Giao thông vận tải sẽ tập trung hoàn thành xây dựng các công trình lớn, có tính xương sống của chiến lược phát triển; chú trọng vào mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến huyết mạch, giao thông đô thị; tình trạng quá tải tại các cảng hàng không, cảng biển lớn.

Theo đó, về đường bộ sẽ đẩy nhanh tốc độ đưa vào cấp hệ thống quốc lộ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc tại các vùng kinh tế trọng điểm, các tuyến đến cửa khẩu quốc tế, các cảng biển cửa ngõ, cảng hàng không quốc tế đáp ứng nhu cầu phát triển và giải quyết ùn tắc giao thông; hoàn thành mở rộng các đoạn có lưu lượng giao thông lớn nhằm nâng cao năng lực lưu thông trên Quốc lộ 1.

Về đường sắt, tiếp tục khôi phục nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có. Riêng tuyến đường sắt Thống Nhất đến năm 2020, phấn đấu đạt tốc độ 120km/h. Bên cạnh đó, ngành cũng chuẩn bị khởi công một số đoạn cao tốc trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, các tuyến đường sắt thuộc 2 hành lang 1 vành đai, đường sắt xuyên Á...; hoàn thành nâng cấp kết hợp xây dựng tuyến Yên Viên - Lim - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, tuyến Yên Viên - Lào Cai; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên, Ngọc Hồi - Yên Viên, Nhổn - Ga Hà Nội, Deawoo - Láng - Hòa Lạc, Nam Thăng Long - Thượng Đình, Bến Thành - Tham Lương.

Đối với đường thủy nội địa, sẽ tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính, chú trọng các tuyến tại đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, nâng cấp các tuyến vận tải ven biển, các cửa Lạch Giang, Sông Đáy, Cửa Tiểu, sông Soài Rạp…. Hoàn thành nâng cấp tuyến Kênh Chợ Gạo, tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Bến Lức - sông Vàm Cỏ - sông Tiền - sông Hậu - Tri Tôn - Vàm Rầy, tuyến sông Tiền, tuyến sông Hậu - Kênh Bạc Liêu - Cà Mau - Giá Rai…

Ngoài ra, ngành sẽ đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển và luồng vào cảng và từng bước xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, hoàn thành cảng Cái Mép - Thị Vải.

Ngành cũng tiếp tục đầu tư nâng cấp các cảng hàng không quốc tế và nội địa hiện có, phấn đấu đưa công suất và năng lực khai thác của toàn mạng cảng hàng không lên gấp 2 lần vào năm 2015. Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ chuẩn bị thủ tục để sớm khởi công cảng hàng không quốc tế Long Thành; đầu tư xây dựng và trang bị hệ thống các công trình chuyên ngành quản lý bay hiện đại, đảm bảo tầm phủ của trang thiết bị liên lạc, dẫn đường và giám sát trong toàn bộ vùng thông tin bay (FIR) của Việt Nam.

Với mức vốn tối thiểu là 483.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Trương Tấn Viên khẳng định, đến 2015, Bộ Giao thông vận tải sẽ làm mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng khoảng 6.000 km đường (trong đó khoảng 600km đường cao tốc), 44.600m cầu đường bộ, xây dựng mới 150km đường sắt, xây dựng thêm 12,5km cầu cảng biển nhằm đáp ứng năng lực thông qua cảng vào năm 2015 hơn 500 triệu tấn hàng hóa.

Huy động tối đa mọi nguồn lực

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, trong bối cảnh không chỉ năm nay mà các năm tiếp theo, Chính phủ sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu công, vốn ngân sách dành cho giao thông sẽ hạn hẹp. Như vậy khả năng thiếu vốn vẫn hiện hữu, muốn đạt được mục tiêu trên cần phải xã hội hóa mạnh mẽ nguồn vốn để đầu tư.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 của ngành giao thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, năm 2012 Chính phủ tiếp tục thắt chặt chi tiêu công, để thực hiện nhiệm vụ đột phá trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, ngành giao thông cần phải tập trung hoàn thiện cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực then chốt này… Bên cạnh đó, ngành phải rà soát, cập nhật lại quy hoạch từ đó xác định, tập trung đầu tư, đẩy mạnh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, có sức lan tỏa lớn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Trương Tấn Viên cho biết, trong năm nay, Bộ sẽ tiếp tục bố trí vốn để thực hiện các công trình trọng điểm của ngành theo kế hoạch 2011-2015. Theo đó, ngành sẽ huy động tối đa các nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như ngân sách nhà nước (bao gồm cả ODA), phát hành trái phiếu, công trái, BOT, PPP, chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan…để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông, theo Thứ trưởng Trương Tấn Viên, Bộ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các nghị định về chuyển nhượng, bán hoặc cho thuê sử dụng hạ tầng giao thông có thời hạn. Đồng thời, để khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả các nhà đầu tư nước ngoài) đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, cần phải có những ưu đãi như miễn thuế giá trị gia tăng các dự án hoàn thành, thưởng tiến độ các dự án, được hưởng chênh lệch lợi nhuận nếu nhà đầu tư tiết kiệm chi phí xây dựng…

Đối với việc xây dựng hạ tầng, Chính phủ sớm ban hành Nghị định riêng về đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) vì phương thức quản lý, thực hiện theo hình thức BT và BOT là khác nhau nên cần phải có một nghị định riêng rõ ràng hơn.

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị, đối với đầu tư theo hình thức BT, nên hoàn trả các dự án dưới nhiều hình thức khác nhau như hoàn vốn bằng quỹ đất để trồng cây công nghiệp; khai thác khoáng sản; khai thác hệ thống cấp nước; cấp điện cho đô thị; quản lý các trung tâm thể thao, thương mại…

Bộ cũng đề nghị, thông qua Quỹ bảo trì đường bộ, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng Quỹ bảo trì cho các lĩnh vực đường sắt, đường sông, hàng hải, hàng không và nghiên cứu xây dựng Quỹ phát triển kết cấu hạ tầng; tạo gói kích cầu cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ngoài nguồn vốn phân bổ hàng năm cho Bộ Giao thông vận tải thông qua phát hành công trái Giao thông vận tải. Bộ đã thống nhất chủ trương với các nhà tài trợ về sử dụng vốn ODA chủ yếu để tham gia vào các dự án lớn, coi đây là nguồn ngân sách nhà nước tham gia theo hình thức Công Tư (PPP)…

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Bộ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương khẩn trương thành lập các Trung tâm phát triển quỹ đất nhằm tạo quỹ đất và kinh phí xây dựng khu tái định cư./.

Uông Lam (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục