Thu hút du khách đến Hà Nội bằng giá trị văn hóa

Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng khai thác lợi thế văn hóa nhằm thu hút du khách là mục tiêu của ngành du lịch Hà Nội.
Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng khai thác lợi thế văn hóa, sinh thái, nhân văn của Thủ đô Hà Nội nghìn năm tuổi, nhằm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu là một trong những mục tiêu chính của ngành du lịch Hà Nội trong thời gian tới.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội cho biết Hà Nội là địa bàn có số lượng di tích lịch sử nhiều nhất cả nước với 5.316 di tích (trong đó 1.151 di tích đã được xếp hạng Quốc gia, 929 di tích cấp thành phố).

Di tích Hà Nội chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử và là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu như Hồ Hoàn Kiếm và khu vực 36 phố cổ , Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch...

Gắn bó chặt chẽ với hệ thống di tích là những lễ hội truyền thống với những quy mô, hình thức khác nhau nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của một làng, xã hay cả một vùng rộng lớn, với những lễ hội tiêu biểu như Chùa Hương (Mỹ Đức), Đống Đa (Đống Đa), chùa Thầy (Quốc Oai), chùa Tây Phương (Thạch Thất)...

Hà Nội cũng là địa phương phong phú và đặc sắc về các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian, trên cơ sở lao động sáng tạo qua bao thế hệ, cũng như tiếp thu và phát triển các loại hình từ vùng khác du nhập về đất kinh kỳ.

Ngoài những loại hình đã nổi tiếng, được vinh danh là “Di sản Văn hoá Thế giới” như ca trù, xẩm, hát văn… còn phải kể đến múa rối nước, hát dô, chèo tàu, trống quân, hò cửa đình, múa hát bài bông...

Những năm qua, thành phố đã có những quan tâm, nỗ lực và kết quả nhất định trong khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hoá trong phát triển du lịch. Trong bất kỳ một hoạt động xúc tiến du lịch nào, bất kỳ một sản phẩm hoặc dịch vụ du lịch nào cũng thấy khá đậm nét các giá trị văn hoá như vậy.

Nhiều địa danh văn hoá đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Nhiều hoạt động văn hoá đã trở nên không thể thiếu trong chương trình du lịch Thủ đô. Những cái tên như Phố cổ, Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm, rối nước, phở, nem, chả cá... đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các sách hướng dẫn du lịch cũng như trong những chương trình tour mà các công ty du lịch chào bán và phục vụ du khách.

Các di sản văn hoá đang thực sự là lực hút hấp dẫn cho ngành du lịch, đóng vai trò quyết định làm cho sản phẩm du lịch của Hà Nội ngày càng phong phú, đa dạng và có bản sắc riêng.

[Khách quốc tế đến Hà Nội tiếp tục tăng trưởng mạnh]


Nhờ đó, lượng khách du lịch, đến với Hà Nội khá đông, nhất là du khách quốc tế. Từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng trưởng mạnh, với tổng lượng khách đạt trên 634 nghìn lượt khách, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó một số thị trường khách quốc tế trọng điểm có sự tăng trưởng mạnh như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Pháp, Anh... Điều này cho thấy, Hà Nội vẫn là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Siêu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam, việc phát huy giá trị di sản văn hoá trong phát triển du lịch chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội.

Ngoài các điểm đến và các hoạt động văn hoá được giới thiệu và biết đến nhiều còn rất nhiều các địa điểm, di tích, hoạt động và sản phẩm khác chưa được “phát lộ”.

Những địa danh rất hấp dẫn, độc đáo và những bộ môn nghệ thuật truyền thống như ca trù, chèo, xẩm..., vốn quý về võ thuật cổ truyền và ngay cả Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long, thành Cổ Loa… cũng chưa được tổ chức, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước.

“Nói cách khác, chúng ta còn “bỏ sót” nhiều tài nguyên di sản văn hoá rất quý giá. Ngay đối với các điểm đến đã được đưa vào các chương trình du lịch và được nhiều du khách biết đến thì cũng còn những bất cập, hạn chế hiệu quả khai thác kinh doanh và quảng bá du lịch. Có 2 nguyên nhân không thể không nhắc đến, đó là nhận thức và hành động. Từ nhận thức chưa đầy đủ về các mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch dẫn đến việc chưa có những hành động cần thiết một cách thích hợp và có hiệu quả” - ông Hà Văn Siêu nói.

Ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội, cho biết với “Quy hoạch Phát triển Du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt, định hướng phát triển xuyên suốt của ngành du lịch Thủ đô sẽ là phát triển du lịch văn hoá dựa trên nền tảng các giá trị di sản văn hoá nghìn năm văn hiến, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng chủ đạo, từ đó phát triển các loại hình khác du lịch khác.

Các chuyên gia về du lịch cho rằng, thành phố cần xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch văn hoá phù hợp với Quy hoạch Phát triển Du lịch Hà Nội nói riêng và Quy hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội của Hà Nội nói chung một cách hợp lý, khả thi, làm cơ sở cho các kế hoạch, dự án đầu tư phát triển được phân kỳ theo từng giai đoạn.

Cùng với việc phải tạo dựng sự hợp tác, gắn kết rộng rãi giữa các điểm đến văn hoá với các doanh nghiệp du lịch , các doanh nghiệp du lịch cần quan tâm tìm hiểu, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới dựa trên khai thác giá trị đích thực của các điểm đến văn hoá.

Ngoài ra, Hà Nội cũng cần huy động tối đa nguồn nhân lực địa phương. Đó vừa là giải pháp tốt cho nhu cầu sử dụng lao động, vừa góp phần quan trọng gắn kết người dân tại các điểm đến văn hoá với du lịch, góp phần tăng thu nhập từ du lịch cho nhân dân địa phương.

Đỗ Thảo Nguyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục