Thu hút trên 64 tỷ USD vốn FDI trong 2008

Cục Đầu tư Nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, riêng tháng 12 cả nước đã có thêm 112 dự án FDI được cấp phép mới với số vốn đăng ký trên 1,17 tỷ USD, nâng tổng số dự án được cấp phép cả năm lên 1.171 dự án với tổng vốn đăng ký trên 60,2 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2007.

Cục Đầu tư Nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, riêng tháng 12 cả nước đã có thêm 112 dự án FDI được cấp phép mới với số vốn đăng ký trên 1,17 tỷ USD, nâng tổng số dự án được cấp phép cả năm lên 1.171 dự án với tổng vốn đăng ký trên 60,2 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2007.
 
Vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với 572 dự án, tổng vốn đăng ký trên 32,6 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 49% số dự án và trên 54% số vốn. Tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ có 554 dự án với tổng vốn đăng ký 27,4 tỷ USD, chiếm 47,3% số dự án và 45,4% vốn đầu tư. Số còn lại thuộc lĩnh vực nông -lâm-ngư nghiệp.
 
Các dự án FDI trong năm 2008 thực hiện chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài, chiếm 75,3% số dự án và 51,7% vốn đăng ký, ngoài ra là liên doanh và một số hình thức khác. Quy mô vốn bình quân của mỗi dự án đạt 51,47 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với thời gian trước.
 
Trong năm nay, số dự án tăng vốn cũng rất lớn, với 311 dự án và tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,74 tỷ USD. Như vậy, chỉ tính riêng số vốn tăng thêm của các dự án đang hoạt động tại Việt Nam năm 2008 đã tương đương tổng vốn đăng ký mới trong một năm thời gian cách đây 5 năm.
 
Tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm, năm 2008 Việt Nam đã có thêm trên 64 tỷ USD vốn FDI đăng ký, gấp gần 2 lần năm 2007. Lượng vốn giải ngân cũng đạt 11,5 tỷ USD, tăng tới trên 43% so với năm ngoái.
 
Trong 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Việt Nam năm 2008, Malaysia đứng đầu với 55 dự án và số vốn 14,9 tỷ USD; tiếp đến là Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Brunei.
 
Mặc dù kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, thách thức, song hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc. Tổng doanh thu của khối này trong năm 2008 đạt 50,55 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm ngoái, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 24,46 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có kim ngạch nhập khẩu rất lớn, tới gần 28,5 tỷ USD, khiến mức nhập siêu của khối này lên tới 4 tỷ USD, chiếm khoảng 25% thâm hụt thương mại của Việt Nam năm 2008.
 
Năm qua, khối doanh nghiệp này đã tạo thêm việc làm cho trên 200.000 người, nâng tổng số lao động làm việc trong các dự án FDI lên gần 1,47 triệu người, góp phần quan trọng vào giải quyết vấn đề việc làm vốn đang rất nóng bỏng tại Việt Nam hiện nay.
 
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch Đầu tư, những con số ấn tượng về thu hút vốn FDI năm qua trong bối cảnh kinh tế trong nước chịu nhiều tác động bất lợi từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ cộng đồng đầu tư quốc tế tiếp tục đặt niềm tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam và các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế của Chính phủ.
 
Tuy nhiên, với mức độ khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới được đánh giá là “chưa từng có trong lịch sử” như hiện nay, Bộ cũng dự báo việc thu hút FDI những năm tới chắc chắn sẽ rất khó khăn, đặc biệt là lượng vốn FDI giải ngân có thể giảm mạnh.
 
Bởi vậy, tập trung tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ các dự án đã được cấp phép và đi hoạt vào động trong năm nay và những năm trước đó được xác định là trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài trong năm 2009./.
 
Hồng Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục