Thủ lĩnh nhóm IS không liên quan việc kêu gọi thánh chiến

Liên quân do Mỹ đứng đầu cho biết, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi "không liên quan" đến một tin nhắn âm thanh được IS phát đi cho rằng đối tượng này kêu gọi người hồi giáo tiến hành thánh chiến.
Thủ lĩnh nhóm IS không liên quan việc kêu gọi thánh chiến ảnh 1Cờ IS tại thành phố al-Qaim, tỉnh Anbar, Iraq ngày 3/11/2017. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Liên quân do Mỹ đứng đầu ngày 23/8 cho biết, thủ lĩnh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi "không liên quan" đến một tin nhắn âm thanh được IS phát đi, được cho là của đối tượng này liên quan đến việc kêu gọi người hồi giáo tiến hành thánh chiến.

Người phát ngôn của liên quân, Đại tá Sean Ryan đưa ra tuyên bố trên sau khi Baghdadi kêu gọi người Hồi giáo tiến hành" thánh chiến" trong bản thu âm được phát đi vào cuối ngày 22/8.

Vài lần trước đó, Baghdadi được thông báo là đã chết, nhưng một quan chức tình báo Iraq hồi tháng 5 cho biết, đối tượng này vẫn đang sống trong lãnh thổ Syria gần biên giới Iraq.

Thông báo lần gần nhất được đưa ra vào tháng 9/2017, ngay sau khi các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đánh đuổi lực lượng IS ra khỏi Raqqa.

[IS công bố đoạn băng ghi âm của thủ lĩnh al-Baghdadi]

Trao đổi với các phóng viên qua điện thoại , Đại tá Ryan cho biết: "Chúng tôi tin tưởng rằng sự lãnh đạo của thủ lĩnh Baghdadi không liên quan. Chúng tôi đang tập trung vào việc đánh bật những tàn dư còn lại của IS. Chính vì vậy, việc có còn thủ lĩnh IS hay không cũng không quan trọng."

Trước đó, Mỹ đã treo thưởng trị giá 25 triệu USD cho việc bắt giữ Baghdadi.

Trong khi đó, theo Tân hoa xã, người đứng đầu Văn phòng Chống khủng bố của Liên hợp quốc, ông Vladimir Voronkovn ngày 23/8 cho rằng Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn là căn nguyên của mối lo ngại nghiêm trọng và đáng kể, bất chấp những thất bại to lớn mà tổ chức khủng bố này phải trải qua.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an, ông Voronkov phân tích, kể từ cuối năm 2017, IS đã bị đánh bại ở Iraq và đang rút lui nhanh chóng ở Syria.

Hiện số lượng các phần tử IS ở Iraq và Syria ước tính hơn 20.000 người, gần như chia đều cho hai nước này. IS cũng đã phân quyền cơ cấu lãnh đạo nhằm giảm bớt mất mát.

Tuy nhiên, ông Voronkov nêu rõ lực lượng nòng cốt của IS có khả năng vẫn tiếp tục tồn tại ở Iraq và Syria trong trung hạn, do xung đột đang diễn ra và những thách thức bình ổn phức tạp.

Ngoài ra, một số thành phần quan trọng liên quan IS cũng tồn tại ở Afghanistan, Đông Nam Á, Tây Phi và Libya, thậm chí cả ở Sinai, Yemen, Somalia và vùng Sahel nhưng với quy mô nhỏ hơn.

Ông cũng nhấn mạnh, thách thức dấy lên từ việc các tay súng khủng bố nước ngoài trở về vẫn còn phức tạp. Theo ông, số lượng các tay súng khủng bố nước ngoài gia nhập IS tại Iraq và Syria về cơ bản đã giảm một nửa, song số còn lại vẫn là một thách thức nghiêm trọng.

Hơn nữa, mối đe dọa ngày càng tăng từ mạng lưới toàn cầu của IS, đặc biệt là từ các tay súng khủng bố nước ngoài, sẽ đa dạng và khó đoán định.

Tiến trình phát triển của IS từ một cấu trúc nhà nước ban đầu trở thành một mạng lưới ngầm làm dấy lên nhiều thách thức mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục