Thu phí ATM có song hành cùng chất lượng dịch vụ?

Từ ngày 1/3, các ngân hàng sẽ được phép thu phí giao dịch tại ATM đối với chính khách hàng của mình (thu phí nội mạng).

Đa số khách hàng sử dụng thẻ đều đồng tình ủng hộ chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước, nhưng vẫn còn có ý kiến cho rằng vẫn chưa là thời điểm thích hợp, bởi sẽ dồn thêm phí lên người dùng đúng vào thời điểm kinh tế đang rất khó khăn hiện nay.
Từ ngày 1/3, các ngân hàng sẽ được phép thu phí giao dịch tại ATM đối với chính khách hàng của mình (thu phí nội mạng).

Đa số khách hàng sử dụng thẻ đều đồng tình ủng hộ chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước, nhưng vẫn còn có ý kiến cho rằng vẫn chưa là thời điểm thích hợp, bởi sẽ dồn thêm phí lên người dùng đúng vào thời điểm kinh tế đang rất khó khăn hiện nay.

22 ngân hàng chưa thu phí

Vấn đề thu phí dịch vụ ATM đã được đặt ra từ mấy năm nay nhưng chưa thể thực hiện được do nhiều người dân không đồng tình. Chính vì vậy, ngày 27/2, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức họp báo chính thức lên tiếng về chính sách thu phí giao dịch ATM, theo cơ chế mới từ ngày 1/3 tới.

Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 27/2, có 34 ngân hàng (gần 80%) đã gửi báo cáo, nội dung biểu phí ATM mới; trong đó có 22 ngân hàng vẫn miễn thu phí ATM, 2 ngân hàng quy định phí dưới mức cho phép (từ 200-500 đồng cho một giao dịch rút tiền nội mạng) và 10 ngân hàng thu mức phí rút tiền nội mạng tối đa 1.000 đồng trên một giao dịch.

Một số ngân hàng đã lên tiếng chưa thu phí trong đợt này như BaovietBank miễn phí rút tiền tại hệ thống ATM của tất cả các ngân hàng Việt Nam trên toàn quốc và Techcombank dự kiến sẽ thu từ 1/4...

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, ông Tiên nhấn mạnh, việc thu phí dịch vụ thẻ nói chung, phí rút tiền ATM nói riêng chỉ là một trong các biện pháp giúp các ngân hàng thương mại có thêm động lực đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, duy trì và cải thiện chất lượng dịch vụ thẻ.

Theo các ngân hàng, trong suốt hơn chục năm qua, hoạt động ATM tại Việt Nam luôn gánh lỗ nặng và việc miễn phí, chấp nhận lỗ để mở rộng mạng lưới nên được chấm dứt.

"Nếu tính tổng chi phí cho ATM của các ngân hàng trong Hội thẻ Việt Nam trên tổng số giao dịch thì trung bình mỗi một giao dịch mất từ 7.000 - 9.000 đồng. Riêng Vietcombank, nếu thu phí trong kỳ này thì ngân hàng chỉ giảm được 1.000 đồng chi phí và vẫn phải bù lỗ 6.000 đồng," Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam kiêm Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết.

Đây là áp lực rất lớn đối với các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có mạng lưới ATM rộng khắp. Điều này ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển mạng lưới ATM cũng như đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cung cấp cho khách hàng.

"Chính vì vậy, việc cho phép thu phí tuy chỉ ở mức phí rất thấp so với các chi phí bỏ ra sẽ tạo động lực cho các ngân hàng tiếp tục đầu tư vào hệ thống thẻ nhằm mở rộng và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ,” ông Nguyễn Văn Tuân nói.

Chi phí cho ATM tại Việt Nam tốn kém được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Hội thẻ giải thích là do thói quen chi tiêu và các hành xử của người Việt khác với các nước trên thế giới. "Ở nước ngoài, hạ tầng thanh toán của họ rất tốt nên việc rút tiền mặt là hạn hữu. Còn ở Việt Nam, 75%-80% các giao dịch chỉ là để rút tiền," ông Bùi Quang Tiên dẫn chứng.

Còn theo đại diện Hội thẻ - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ATM của các nước trên thế giới chủ yếu để người dân rút lượng tiền mặt thiếu hụt, trong khi ATM của Việt Nam lại đóng vai trò là kênh phân phối tiền lương, nhả tiền mặt nên rất vất vả.

Sẽ có chính sách hỗ trợ KCN

Hiện đa số khách hàng đã làm quen với việc thu phí dịch vụ ATM và cũng đồng tình ủng hộ chủ trương trên của Ngân hàng Nhà nước. Chị Nguyễn Thị Ngọc ở Kim Ngưu, Hà Nội cho rằng, việc thu phí là bình thường, chúng ta không thể dùng "chùa" mãi được vì các ngân hàng cũng phải đầu tư mua máy móc; đi thuê mặt bằng để đặt máy ATM; nguồn nhân lực tiếp quỹ hàng ngày...

Tuy nhiên, không phải tất cả đều ủng hộ chủ trương trên, nhất là các công nhân ở các khu công nghiệp. Chị Trần Thị Thanh hiện đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long Nội Bài chia sẻ, lương của chị chỉ được 3,5 triệu đồng và được trả làm 2 lần/tháng, nhưng chị Thanh không thể rút hết tiền lương trong một lần vì hiện tượng mất cắp thường xảy ra tại đây. Chính vì vậy, chị và những người khác chỉ rút khoảng 200.000 đồng/giao dịch để đi chợ.

Chị Thanh tính toán, nếu vẫn rút tiền như trước đây mà mức phí là 1.000 đồng thì chị cũng đã mất khoảng 15.000 đồng/tháng, trong khi còn rất nhiều thứ phải chi tiêu. "Ở đây, chúng tôi đều phải tính toán căn cơ từng đồng một mới đủ trang trải, 15.000 đồng cũng đã mua được mấy quả trứng rồi," chị Thanh phân trần.
 
Giải thích vấn đề này, ông Tiên cho biết, việc các ngân hàng đưa ra các mức thu phí cũng chỉ dựa trên những cuộc khảo sát ở bình diện chung, chứ không thể chỉ tập trung ở một nơi nào nhất định được.

Tuy nhiên, hiện nhiều ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Agribank cũng đã chủ động phân loại sản phẩm dịch vụ, khách hàng. Căn cứ vào đó, đề ra những chính sách hỗ trợ cụ thể như giảm 50% phí rút tiền mặt ATM nội mạng, hay giảm phí phát hành thẻ lần đầu, miễn hoặc giảm phí thường niên đối với người lao động có thu nhập thấp như công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, sinh viên nghèo.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là những đối tượng thu nhập thấp, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã khuyến khích các ngân hàng thương mại nới hạn mức rút tiền tối đa trong mỗi giao dịch thêm 2 triệu đồng. Hiện đa phần hạn mức rút tối đa tại ATM tại các ngân hàng chỉ 2 triệu đồng./.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay có 50 ngân hàng tham gia thị trường thẻ, với số lượng thẻ ghi nợ nội địa đã phát hành khoảng 50 triệu thẻ và có 15.000 máy ATM.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục