Thu phí xuất khẩu lao động sai phải trả lại

Bộ Giao thông vận tải vừa công bố kết quả thanh tra 7 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong ngành. Qua kiểm tra đã phát hiện các doanh nghiệp thu sai, thu vượt yêu cầu cho phép hơn 2 tỷ đồng của người lao động, trong đó thu ngoài quy định hơn 1,8 tỷ đồng và thu quá quy định gần 320 triệu đồng.

Bộ Giao thông vận tải vừa công bố kết quả thanh tra 7 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong ngành. Qua kiểm tra đã phát hiện các doanh nghiệp thu sai, thu vượt yêu cầu cho phép hơn 2 tỷ đồng của người lao động, trong đó thu ngoài quy định hơn 1,8 tỷ đồng và thu quá quy định gần 320 triệu đồng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân và tập thể có liên quan. Theo đó, các đơn vị phải thông báo cho người lao động, trả cho từng người và phải có báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 30/4/2009.

Theo kết luận mới nhất của Bộ Giao thông vận tải: về thu phí dịch vụ xuất khẩu lao động, hầu hết các đơn vị đều thu phí của người lao động trong trường hợp người lao động được chủ sử dụng gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới; điều này được cho là trái với quy định hiện hành.

Đơn cử như tại Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco)-Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, hợp đồng công ty ký với người lao động là 1 năm nhưng lại thu phí dịch vụ xuất khẩu cả 3 năm.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã thu sai tiền vé máy bay của người lao động. Tại Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế và đầu tư sản xuất (CIRI) – Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8, trong hợp đồng cung ứng lao động, công ty này ký với phía Đài Loan, vé máy bay lượt đi sang Đài Loan do chủ lao động trả. Nhưng tại hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giữa công ty với người lao động, chi phí này lại do người lao động chi trả. Khi hết hạn và thanh lý hợp đồng, người lao động không được công ty hoàn trả vé máy bay lượt đi sang Đài Loan.

Tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu cung ứng thiết bị Đường sắt (Virasimex) - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đối với các lao động đi Dubai, đáng ra, công nhân không phải chịu vé máy bay cả đi và về nhưng phía công ty vẫn bắt họ đóng tiền vé máy bay lượt đi.

Cũng tại Virasimex, hợp đồng cung ứng lao động công ty này ký với phía Đài Loan là “Chủ sử dụng lao động cung cấp ăn, ở miễn phí”, nhưng trong hợp đồng giữa công ty với người lao động lại quy định “tiền ăn do lao động trả (từ 3.000 đến 4.000 Đài tệ - tiền của Đài Loan) khấu trừ vào lương”.

Ngoài ra, khi thanh tra, đoàn thanh tra phát hiện nhiều Công ty còn bớt xén của người lao động ngay cả trong những khoản thu như tiền mua quần áo, túi sách, lệ phí sân bay, lệ phí Visa… Một số đơn vị thu của người lao động lớn hơn số thực chi như Virasimex gần 181 triệu đồng; Chi nhánh Hà Nội thuộc Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 86 triệu đồng; Chi nhánh Hà Nội thuộc Công ty Cổ phần Cung ứng và Xuất nhập khẩu Lao động Hàng không 52 triệu đồng....

Khi giải quyết lao động về nước cũng xảy ra tình trạng bớt xén. Theo quy định, trước khi xuất cảnh, người lao động phải nộp tiền đặt cọc. Số tiền này được tính lãi suất và hoàn trả cho người lao động khi hết hợp đồng. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị trong đợt thanh tra chỉ trả tiền gốc cho người lao động mà không trả lãi.

Bên cạnh đó, việc thu 100.000 đồng/người do người lao động đi làm việc đóng góp để nộp vào quỹ của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cũng không được nhiều doanh nghiệp thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục