Thử tài bóng đá với những kiến thức không phải ai cũng biết về AFF Cup

Công Vinh hiện đã có 13 bàn, chỉ kém kỷ lục của Noh Alam Shah đúng 4 bàn. 4 cũng là số bàn thắng của Công Vinh ở AFF Cup gần nhất năm 2014.
Thử tài bóng đá với những kiến thức không phải ai cũng biết về AFF Cup ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

AFF Cup tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996, và từng mang tên Tiger Cup. Ban đầu, giải đấu có 6 nhà sáng lập là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào chỉ tham dự với tư cách khách mời. Dưới đây là những điều có thể bạn chưa biết về giải đấu quan trọng nhất của làng túc cầu Đông Nam Á:


1. Thể thức thi đấu

AFF Cup 2016 thi đấu theo thể thức chia bảng và đấu loại trực tiếp. Các đội bóng trong khu vực sẽ chia thành hai bảng, chọn hai đội dẫn đầu mỗi bảng vào Bán kết.

Tại vòng loại trực tiếp, các đội sẽ thi đấu 2 lượt trên sân nhà và sân khách.

Bắt đầu từ AFF Cup 2007 tại Malaysia và Việt Nam, giải đấu có thêm một vòng loại nhằm loại bớt các đội quá yếu và nâng cao chất lượng vòng bảng.

Trước đó, vòng loại AFF Cup từng được tổ chức lần đầu tiên hồi năm 2008.

2. Đội tuyển giàu thành tích nhất

Thái Lan và Singapore là 2 đội tuyển giàu thành tích nhất lịch sử AFF Cup với cùng 4 lần vô địch. Người Thái có mặt trong nhiều trận chung kết nhất với 7 lần.

Malaysia và Việt Nam là hai đội bóng đã 1 lần vô địch giải. Indonesia là đội tuyển đen đủi nhất khi thất bại trong cả 4 trận chung kết.

3. Chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất

Với 17 bàn, huyền thoại Noh Alam Shah của Singapore là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử AFF Cup. Anh cũng giữ kỷ lục là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất trong 1 kỳ AFF Cup (10 bàn tại AFF Cup 2007).

Sau Noh Alam Shah, Worrawoot Srimaka (Thái Lan) và Lê Huỳnh Đức (Việt Nam) đã lần lượt có 15 và 14 bàn.

Chân sút ghi nhiều bàn nhất vẫn đang thi đấu chính là đội trưởng tuyển Việt Nam Lê Công Vinh.

Công Vinh hiện đã có 13 bàn, chỉ kém kỷ lục của Noh Alam Shah đúng 4 bàn. 4 cũng là số bàn thắng của Công Vinh ở AFF Cup gần nhất năm 2014.

4. Các kỷ lục

* Đội tuyển hay nhất

Thái Lan là đội bóng xuất sắc nhất lịch sử 10 kỳ AFF Cup. Đội tuyển Thái Lan đoạt nhiều chức vô địch nhất (4 lần, bằng Singapore), giành nhiều điểm số nhất (116 điểm), có nhiều chiến thắng nhất (34 trận), để thua ít nhất (8 trận), sở hữu hiệu số bàn thắng bại tốt nhất (+75).

Singapore có hàng thủ mạnh nhất lịch sử với chỉ 46 lần thủng lưới trong khi Indonesia là hàng công mạnh nhất với 134 bàn sau 20 năm.

* Huấn luyện viên thành công nhất: Radojko Avramovic

“Phù thủy” Radojko Avramovic chắc chắn là huấn luyện viên thành công nhất lịch sử Đông Nam Á với 3 chức vô địch AFF Cup cùng Singapore trong các năm 2004, 2007 và 2012.

Xếp sau Avramovic, Peter Withe cũng đã 2 lần đưa tuyển Thái vô địch vào các năm 2000 và 2002.

5. Tiền thưởng

Tiền thưởng cho các đội tuyển tại AFF Cup tăng dần qua từng năm tổ chức. Năm 2008, đội tuyển Việt Nam nhận thưởng 100.000 USD (2 tỷ đồng) từ AFF sau chức vô địch.

Đến năm 2014, con số tương tự dành cho Thái Lan đã tăng gấp đôi (200.000 USD).

Vì tiền thưởng ít nên các đội trông đợi từ phần “tự thưởng”: Năm 2014, Thái Lan đã nhận tổng cộng 900.000 USD (18 tỷ đồng) sau khi thắng Malaysia ở chung kết.

6. Australia không dự AFF Cup

Bắt đầu từ năm 2006, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) nhận Australia là thành viên. Bóng đá Australia được xếp ở khu vực Đông Nam Á, thuộc sự quản lý của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF).

Các đội tuyển quốc gia nam, nữ và nhiều đội tuyển trẻ của Australia đã tham gia hệ thống thi đấu của AFF. Tuy nhiên, đội tuyển quốc gia nam Australia là ngoại lệ.

Thay vì dự AFF Cup, họ chọn tham dự Giải vô địch Đông Á cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục