Thu thuế môi trường 8.000 đồng mỗi lít xăng vì "lợi ích quốc gia"?

Bộ Tài chính nói gì việc xăng có thể "gánh" 8.000 đồng thuế môi trường

Với khung thuế tối đa hiện tại là 4.000 đồng/lít trong khi mức thu đã sắp kịch trần là 3.000 đồng/lít, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp cần điều chỉnh với chính sách phát triển là khó.
Bộ Tài chính nói gì việc xăng có thể "gánh" 8.000 đồng thuế môi trường ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Khẳng định khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu có thể lên tối đa 8.000 đồng/lít chưa tác động tới giá các mặt hàng nhiên liệu, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh nhiều lần việc đề xuất trên nhằm “đảm bảo lợi ích quốc gia.”

Đây là những phát biểu được ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính nói lên trong buổi họp báo quý 1 của bộ này tổ chức chiều 10/4.

“Không điều chỉnh sẽ thiệt hại lợi ích quốc gia”

Đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường từ 1.000-4.000 đồng/lít xăng dầu hiện tại lên mức mới 3.000-8.000 đồng/lít là chủ đề nóng nhất trong cuộc họp báo tổ chức chiều nay. Thắc mắc được đặt ra với lãnh đạo Bộ Tài chính là cơ sở nào để bộ này đưa ra mức điều chỉnh trên và sự cần thiết hiện tại ra sao?

Trả lời, ông Phạm Đình Thi cho hay, việc sửa khung thuế không chỉ đề xuất với xăng dầu mà còn nhiều mặt hàng khác như túi nilon, dung dịch HCFC,… Tuy nhiên, với riêng mặt hàng xăng, dầu, ông Thi nêu quan điểm, Việt Nam hiện đang tham gia 11 hiệp định thương mại tự do và theo cam kết, thuế nhập khẩu của Việt Nam sẽ phải giảm dần.

“Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế,” ông Thi nói.

Ngoài ra, theo ông, hiện giá dầu thế giới đang diễn biến khó lường, đặc biệt là xu hướng giảm mạnh trong thời gian gần đây. Dẫn kinh nghiệm các nước khi giá dầu thế giới giảm, ông cho hay, nhiều nước đã nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng.

Bởi vậy, với khung thuế tối đa hiện tại là 4.000 đồng/lít trong khi mức thu đã sắp kịch trần là 3.000 đồng/lít, đại diện Bộ Tài chính, “trường hợp cần điều chỉnh với chính sách phát triển là khó.”

Ông Thi cũng nhắc lại việc nâng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít hồi năm 2015 từng gây nhiều tranh cãi. Những ý kiến thời điểm đó theo ông việc điều chỉnh trên sẽ “đánh” vào người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông khẳng định, sau khi phân tích diễn biến giá xăng dầu thế giới và so sánh mức giá xăng dầu của Việt Nam với các nước trong khu vực, Bộ Tài chính cho rằng, nếu như không điều chỉnh thì sẽ thiệt hại về lợi ích quốc gia.

Với hiện tại, ông thông tin thêm, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Dẫn kết quả của trang web Global Petrol Prices ngày 3/4, ông thống kê, trong 180 nước xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao và 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam. Trong bảng xếp hạng, Philippines đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97.

Với mức giá bán lẻ xăng Ron92 của Việt Nam cập nhật đến ngày 6/4 là 17.230 đồng/lít, ông tính toán, giá xăng của Lào cao hơn Việt Nam khoảng 4.000 đồng/lít, Campuchia có giá cao hơn khoảng 2.800 đồng/lít, Singapore thậm chí có mức giá cao hơn nước ta khoảng 16.000 đồng/lít.

"Không thể nói thuế bảo vệ môi trường thu nhiều chi ít"

Đánh giá về sự tác động của khung thuế mới, ông Thi nhấn mạnh quan điểm, đây chỉ là khung và mức cụ thể phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Tất nhiên, theo ông, khi đề xuất mức cụ thể thì cơ quan chức năng phải thực hiện đánh giá tác động tới tình hình kinh tế, tới sản xuất kinh doanh.

“Khung thuế bảo vệ môi trường chưa tác động gì tới giá xăng dầu và doanh nghiệp,” ông Thi khẳng định lại.

Ở hướng khác, thắc mắc được báo chí đặt ra là tiền thuế bảo vệ môi trường thu được được sử dụng ra sao và liệu có tình trạng “thu nhiều chi ít” không?

Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, thuế bảo vệ môi trường cũng là một khoản thu ngân sách Nhà nước và được chi theo nhiệm vụ quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước.

Ông nhấn mạnh “không phải chi trực tiếp bảo vệ môi trường thì mới là bảo vệ môi trường.” Điều này theo ông nghĩa là khoản thu trên thực tế có thể chi cho đầu tư phát triển dự án như dự án xử lý nước thải, các công trình giao thông.

“Những dự án đầu tư này không tính là chi trực tiếp cho bảo vệ môi trường, nhưng vẫn góp phần bảo vệ môi trường,” ông Thi nói./.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính nói về đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục