"Vụ mùa chứng khoán"

Thu tiền tỷ từ "vụ mùa chứng khoán giáp Hạ"

Dòng tiền đổ về thị trường như lũ cuốn trong đợt tăng nóng của thị trường đã mang lại khoản lợi nhuận kếch xù cho một số nhà đầu tư.
Nguyễn Trọng Dung xúng xính đóng lại cửa chiếc Civic mới kính coong và  thong dong bước vào công ty. Những chiến hữu đang đầu tư cùng anh đều biết rằng chiếc xe này là một phần thành quả Dung thu về từ hoạt động đầu tư chứng khoán trong thời điểm thị trường tăng nóng vừa qua.

Thu hoạch từ “vụ mùa chứng khoán giáp Hạ”

Thị trường chứng khoán đã chứng kiến những ngày đầu năm tăm tối. Khi đó VN-Index lao từ khoảng 315 điểm xuống tới mốc 235 điểm (phiên ngày 24 tháng 2). Tại thời điểm đó không một ai, thậm chí là các chuyên gia chứng khoán kỳ cựu, cũng không tiên đoán nổi số phận của VN-Index.

Tuy nhiên khi đó, một số nhà đầu tư bám sàn và “gan lớn” đã bắt đầu có dấu hiệu bắt đáy. Họ mua gom hàng từ lúc VN-Index tăng trở lại trong khoảng 250 điểm đến 300 điểm.

Suốt từ tháng 3 cho tới trung tuần tháng 6, VN-Index đã leo thẳng một mạnh lên trên 510 điểm. Nhiều mã cổ phiếu dẫn dắt thị trường như KLS có thời điểm tăng trên 140% so với đáy, SSI tăng tới 270% so với đáy, STB cũng tăng khoảng 200%.

Dòng tiền đổ về thị trường như lũ cuốn, nhờ đó một số nhà đầu tư đã thu về cho mình những khoản lợi nhuận kếch xù.

Anh Nguyễn Văn Cương, một chủ doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực cầu đường cho biết, kinh doanh của công ty gặp nhiều sút kém nên anh đã dành một khoản tài chính cỡ chục tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán.

Với kiến thức, kinh nghiệm có được từ những mất mát trước đó anh Cương cho rằng VN-Index lên tới 500 điểm là đã quá thành công so với kỳ vọng của bản thân vì vậy cũng tại ngưỡng điểm này anh đã thực hiện bán tất tay.

“Đợt vừa rồi lợi nhuận của mình thu về cũng đạt gần 100% trên tổng số vốn, hiện tại mình cũng đang giữ gần như 100% tiền mặt và đã gửi tiết kiệm, trong tài khoản chứng khoán chỉ còn những cổ phiếu lẻ. Theo cá nhân mình thì thị trường khó mà lên ngay được, song đầu tư sản xuất thì cũng chưa bởi ngành kinh doanh của công ty mình vẫn chưa có nhiều thuận lợi. Mình sẽ chờ đợi thị trường thêm một thời gian nữa”, anh Cương nói.

Đối với anh Dung, một thạc sĩ quản trị kinh doanh từ Mỹ về, với kinh nghiệm từng là trưởng phòng tư vấn tài chính doanh nghiệp rồi trưởng phòng môi giới tại các công ty chứng khoán, khi thị trường vừa có dấu hiệu khới sắc, anh Dung đã quyết định cùng một số người bạn mở ra một quỹ đầu tư.

“Không ở đâu kiếm tiền dễ như ở đây, hiện tại quỹ của tôi đã ra hết hàng. Tính cả quỹ lãi trên vốn khoảng 80%, cá nhân danh mục của tôi đạt trên 100%”, anh Dung hỉ hả nói.

Đã trích một phần lãi mua xe, anh Dung cũng đang tiếp tục tìm cho mình một căn hộ cao cấp khoảng trên dưới 3 tỷ đồng để chuẩn bị kết hôn. Quả là lãi từ chứng khoán đang mang lại sự viên mãn cho một số nhà đầu tư thành công.

Không phải ai cũng thắng lớn

Tuy nhiên trên thực tế, sau quá trình mất mát và tổn thương, nhiều nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng trước đà lên của thị trường.

Đa phần phương thức hoạt động giao dịch của họ là theo kiểu dập dòm “một chân nhảy vào thị trường, còn chân kia luôn chuẩn bị sẵn tư thế chạy thật nhanh”.

Chính kiểu chơi lướt sóng ngắn T+… đã đẩy nhiều nhà đầu tư vào tình trạng mua đuổi. Theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, trưởng phòng Maketing, Công ty chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia thì trong quá trình tháng 3, 4, 5 vừa rồi có không ít các bà con kinh doanh mua đuổi, bán đuổi nên tính ra lợi nhuận thu về không đáng là bao.

Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến không ít nhà đầu tư đưa ra quyết định vào hàng và chưa thoát ra hết trong thời điểm hiện tại.

Về phần mình, anh Dung cho rằng, hiện có rất nhiều người bị mắc kẹt và thậm chí trong đó có những tổ chức tài chính. Tuy nhiên, thị trường chưa chứng kiến sự xả hàng ồ ạt, bởi có bán cũng rất khó thành công vì lực cầu đang rất mỏng./.
Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục