Thư từ Brazil: World Cup và cú hích kinh tế mang tên Neymar

Một World Cup ở Brazil không có Neymar cũng giống như giải golf US Open không có Tiger Woods, Grand Slam của tennis không có cả Nadal lẫn Federer.
Thư từ Brazil: World Cup và cú hích kinh tế mang tên Neymar ảnh 1Tác giả hỏi người dân địa phương đường dẫn tới nhà Neymar (Ảnh: Đức Lộc/Vietnam+)

Một World Cup ở Brazil không có Neymar cũng giống như giải golf US Open không có Tiger Woods, Grand Slam của tennis không có cả Nadal lẫn Federer.

Dĩ nhiên, ở chiều thuận, World Cup tạo danh tiếng cho Neymar. Chỉ sau trận khai mạc thắng Croatia 3-1 mà Neymar ghi hai bàn đã kéo về cho anh thêm 300.000 người theo dõi trên tài khoản Twitter của anh.

Trong kỷ nguyên của mạng xã hội, sự phổ biến trên Twitter hay Facebook tỷ lệ thuận với giá trị thương mại.

Chẳng hạn, Federer và Nadal là hai người có nhiều người hâm mộ “bám đuôi” nhất trên facebook (đều trên 14 triệu) và cả hai cùng có thu nhập cao nhất làng banh nỉ: Federer hơn 50 triệu USD, còn Nadal hơn 30 triệu USD.

Nhưng World Cup mang lại gì cho Neymar (về kinh tế) không quan trọng so với đất nước Brazil và World Cup đang cần anh. Thực tế rằng Neymar đã là thương hiệu toàn cầu và là một trong những cầu thủ đắt giá nhất thế giới từ trước khi FIFA tổ chức bốc thăm cho vòng chung kết World Cup này.

Chỉ sau ngày đầu tiên ở Brazil, tôi đã phải đặt câu hỏi, liệu có sản phẩm gì người Brazil sử dụng hàng ngày, trong mọi hoàn cảnh, từ lúc tập luyện thể thao cho tới khi ăn mặc thật bảnh đi dự tiệc, mà Neymar chưa quảng cáo?

Bởi, giày và quần áo thì Neymar đã quảng cáo cho Nike, quần lót là đại diện cho Lupo, kính mắt thời trang cho Police, nước gội đầu của Unilever, kem dưỡng da cho Tenys-pe, nước hoa cho Guy Laroche, điện thoại thì Claro, đến ngân hàng là cho Santander, đồ điện tử thì Samsung, xe hơi có Volkswagen, nước uống có cả Red Bull lẫn Guarana... Thậm chí cả kem ăn Neymar cũng đại diện cho Kibon.

Gần một nửa (5) trong số các thương hiệu ấy thuần chất Brazil, tức là các thương hiệu ấy cần Neymar để tạo ra những cú hích dịp World Cup.

Kinh tế Brazil đang chững lại, từng tăng với tốc độ 7,5% năm 2010, rồi xuống đột ngột ở mức 2,3% trong ba năm liên tiếp, còn năm nay có thể chỉ đạt mức 1,8%. Một thị trường tiêu thụ nội địa với sức mua tăng mạnh sẽ cải thiện được phần nào cho cả nền kinh tế.

Và ngay cả những thương hiệu mang tính quốc tế (thậm chí toàn cầu) như Nike cũng cần có Neymar để thúc đẩy doanh số bán hàng.

Ở quê hương Sao Vicente của Neymar, có nơi cả 10/10 chiếc áo (hàng nhái) bán trên vỉa hè đều là số 10 của Neymar. Ở Sao Paulo hay Fortaleza, những nơi mà đội tuyển Brazil thi đấu hai trận đầu vòng bảng hay bất cứ thành phố nào khác, nơi người dân có thu nhập cao hơn để mua những chiếc áo xịn, chiếc áo vàng số 10 cũng nhiều hơn bất cứ số áo đấu nào khác cộng lại.

Nhìn các tấm biển quảng cáo có hình Neymar với nụ cười nhếch mép khó quên xuất hiện khắp nơi, từ các bến tàu điện ngầm - một trong những phương tiện công cộng đạt tới chuẩn mực ở Brazil - cho tới các cửa kính sáng choang trên những con phố ở khu mua sắm thượng lưu Jardins hay đại lộ Paulista ở Sao Paulo, nó trở thành sự cộng hưởng lý tưởng cho chiến thắng của Brazil và bàn thắng của Neymar.

Thư từ Brazil: World Cup và cú hích kinh tế mang tên Neymar ảnh 2Một thanh niên Brazil có ngoại hình giống Neymar kiếm tiền trên đường phố Rio (Nguồn: AP)

Chợt nhớ Olympic 2008 ở Trung Quốc, nơi mà người dân nước này tôn thờ Lưu Tường, một tay chạy vượt rào từng giành Huy chương Vàng Olympic 2004, đã gỡ bỏ hầu hết những tấm hình quảng cáo của anh sau khi Tường thất bại đau đớn, lại thấy e ngại.

Dĩ nhiên, người Trung Quốc còn lâu mới đạt tới sự chuẩn mực của văn hóa cổ vũ trong thể thao nói riêng và hành vi ứng xử nói chung, thì sự hụt hẫng khi thần tượng hữu sự là phổ biến.

Ngôi sao số 1 của golf Mỹ, Tiger Woods vắng mặt vì chấn thương lưng đã làm giảm tỷ lệ theo dõi giải Masters (một trong bốn giải lớn nhất) tới 28%.

Các nhà kinh tế thể thao ước tính nếu Woods không thể trở lại trong năm nay, thiệt hại chung có thể lên tới 15 tỷ USD đối với ngành công nghiệp Golf ở Mỹ có trị giá khoảng 80 tỷ USD.

Neymar có thể chưa đạt tới tầm của Woods bên Golf ở Mỹ, nhưng bóng đá ở Brazil là tất cả và không có môn thể thao nào ở quốc gia nào sánh nổi với Neymar là người truyền cảm hứng.

Hơn 600.000 CĐV nước ngoài đã và đang tiếp tục đổ về Brazil. Dự tính mỗi người sẽ chi khoảng 2.500 USD ở đây. Như thế cũng mới chỉ được 1,5 tỷ USD, chưa bằng số lẻ của chính phủ Brazil chi ra cho World Cup (ước tính dưới 15 tỷ USD). Brazil cần chính người Brazil vung tay quẹt thẻ credit để bù đắp.

Brazil không thể thất bại và Neymar không được sụp đổ quá sớm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục