Thủ tục đầu tư: Vẫn "một cửa-nhiều khóa"

Cải cách thủ tục đầu tư, tránh "một cửa-nhiều khóa"

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cơ chế “một cửa” đã được triển khai nhưng vẫn còn nhiều "khóa" để hoàn thiện một thủ tục đầu tư.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ rằng hiện nay, chưa có một quy định thống nhất liên thông trong giải quyết thủ tục khiến nhà đầu tư gặp không ít khó khăn trong triển khai, nhà đầu tư còn phải đến từng cơ quan để thực hiện từng thủ tục con, cơ chế “một cửa” đã được triển khai nhưng vẫn còn nhiều "khóa" và người dân, doanh nghiệp vẫn phải mở nhiều "khóa" để hoàn thiện một thủ tục đầu tư.

Phát biểu tại cuộc họp với các bộ, ngành về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng vào chiều 2/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thủ tục hành chính là công cụ quản lý Nhà nước, nếu thủ tục không tốt sẽ là yếu tố kìm hãm sự phát triển. Cải cách thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và đất đai, giảm bớt những khâu trung gian, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng chỉ rõ sáu tồn tại, hạn chế, yếu kém trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng. Đó là còn nhiều trở ngại, chậm trễ, tốn kém, còn chồng chéo gây lúng túng cho cơ quan quản lý hành chính, bản thân các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng còn một số điểm chưa thống nhất.

Quy trình thủ tục hành chính phức tạp, nhiều cơ quan tham gia vào cùng một thủ tục, thậm chí có thủ tục, người dân, doanh nghiệp phải thực hiện ba lần qua các sở, ngành, phải thực hiện nhiều giấy phép chứng nhận.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra rằng thời cơ kinh doanh là rất quan trọng, nhưng thời gian thực hiện thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng còn dài, mỗi cơ quan, mỗi ngành, mỗi địa phương lại có yêu cầu thông tin khác nhau, đã gây tâm lý bức xúc cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị mọi cấp, mọi ngành phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, công bố công khai thời gian giải quyết thủ tục, minh bạch về thủ tục. Các bộ, ngành cần phân cấp mạnh hơn và rõ trách nhiệm, không ôm đồm sợ mất quyền lợi, cho địa phương, đơn vị tự làm và tự chịu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại đội ngũ cán bộ thực thi công tác này, tăng cường hậu kiểm, giảm những thủ tục gây khó khăn, phiền hà, thủ tục nào liên quan đến quyền lợi của người dân, của doanh nghiệp phải được luật hóa.

Các bộ, các cơ quan liên quan phải nhận rõ trách nhiệm của mình, phối hợp rà soát lại các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, thành lập tổ công tác ở các huyện, các tỉnh để giải quyết nhanh nhất, hiệu quả nhất các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo hướng Sở nào có nhiều nhiệm vụ về đầu tư, kinh doanh sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm giải quyết.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, xây dựng sơ đồ thủ tục, thời gian thực hiện, cùng tham gia giải quyết. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động rà soát những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi trong quý II/2014; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thủ tục, phát hiện bất cập để chấn chỉnh, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành đều thẳng thắn nhìn nhận thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và đất đai hiện còn “vênh” nhau, rườm rà, chồng chéo, gây không ít khó khăn, tốn kém về mặt thời gian và tiền bạc cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, qua kết quả rà soát toàn bộ các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai của bộ này, cho thấy cơ chế “một cửa” đang thực hiện ở một số địa phương mới chỉ thiết lập được quy trình một đầu mối trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau của ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được giải quyết lần lượt thủ tục hành chính theo các quy định khác nhau. Nhà đầu tư phải thực hiện trung bình 18 thủ tục khác nhau đối với dự án đầu tư có liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường.

Các ý kiến cho rằng cần rà soát lại các thủ tục, các loại giấy phép nhằm khuyến khích đầu tư, tránh cơ chế “xin-cho.”

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, cần hoàn thiện cơ chế "một cửa" trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến cấp Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai dự án theo hướng quy định việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung thông qua một cơ quan đầu mối (cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư). Theo cơ chế này, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ gồm dự án đầu tư và tài liệu theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng...

Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức xem xét, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn mà không yêu cầu nhà đầu tư phải đến từng cơ quan để thực hiện từng thủ tục khác nhau. Trường hợp dự án đầu tư đáp ứng đầy đủ các điều kiện, cơ quan quản lý đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư và trả kết quả giải quyết các thủ tục có liên quan.

Phương án này rút ngắn thời gian giải quyết, các bước thực hiện và đơn giản đáng kể các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư vì đã tổ chức giải quyết tập trung các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư; đồng thời loại bỏ yêu cầu nhà đầu tư tư nộp các giấy tờ mà trên thực tế đều do các cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân cấp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục