Thủ tướng Bồ Đào Nha tuyên bố sẽ không từ chức

Thủ tướng Bồ Đào Nha  ngày 2/7 tuyên bố không từ chức và không chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Ngoại giao Paulo Portas.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Passos Coelho ngày 2/7 tuyên bố không từ chức và không chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Ngoại giao Paulo Portas.

Trong bức thư ngỏ, Thủ tướng Coelho nhấn mạnh: "Tôi không 'rời bỏ' đất nước và quyết tâm làm việc phục vụ đất nước. Sẽ là vội vã nếu chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Ngoại giao Portas..."

Ông kêu gọi toàn thể người dân Bồ Đào Nha cũng như tất cả các chính đảng đoàn kết để cùng vượt qua những khó khăn kinh tế-xã hội hiện nay.

Trước đó, trong ngày 2/7, Bộ trưởng Ngoại giao Portas đã đệ đơn từ chức do bất đồng với Thủ tướng Coelho về chương trình cứu trợ.

Trong thư từ chức, ông Portas cho biết ông không tán thành quyết định của Thủ tướng bổ nhiệm Maria Luis Albuquerque, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Ngân khố, làm Bộ trưởng Tài chính thay thế ông Vitor Gaspar vừa từ chức.

[Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha đã đệ đơn từ chức]

Ông Gaspar là cựu quan chức Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), từng đóng vai trò chính trong việc thực hiện chương trình cải cách được thỏa thuận năm 2011 với EU và IMF để đổi lấy gói cứu trợ 78 tỷ euro (102 tỷ USD) trong 3 năm.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Portas, sự lựa chọn nhân sự mới cho vị trí Bộ trưởng Tài chính được hiểu như một dấu hiệu rõ ràng rằng Thủ tướng Coelho vẫn có ý định tiếp tục chính sách kỉ luật ngân sách, bất chấp những chỉ trích từ phe đối lập và những bất đồng trong xã hội đang gia tăng.

Ngoại trưởng Portas đã nhiền lần bày tỏ hoài nghi về chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ, và cảnh báo sẽ phá vỡ liên minh cầm quyền nếu kế hoạch tăng thuế đối với người về hưu được thực thi.

Ông Portas đệ đơn từ chức ngoại trưởng chỉ một ngày sau khi ông Gaspar từ chức Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha, người được xem là kiến trúc sư chương trình cải cách của Bồ Đào Nha theo kế hoạch cứu trợ của EU-IMF.

Tuy nhiên, trong thư từ chức, bản thân ông Gaspar cũng phải thừa nhận "đã nhiều lần chậm trễ" trong việc đạt các mục tiêu nên "đã làm xói mòn úy tín của ông trên cương vị Bộ trưởng Tài chính."

Chính phủ Bồ Đào Nha hiện nay lên nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử sớm vào tháng 6/2011, nhưng đang ngày càng bị cô lập nhất là kể từ khi nổ ra cuộc tổng đình công hồi tuần trước do các nghiệp đoàn tổ chức. Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng chỉ trích mạnh mẽ, kêu gọi chính phủ thừa nhận thất bại trong chiến lược khôi phục mức tín nhiệm tài chính bằng bất kỳ giá nào.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu vẫn thúc giục Chính phủ Bồ Đào Nha tiếp tục cải cách. Tính đến cuối tháng 3, thâm hụt ngân sách của nước này lên tới 10,6% thu nhập hàng năm.

Chính phủ của Thủ tướng Coelho chỉ có hai tuần để đưa ra các biện pháp cải cách trước khi các nhà kiểm toán của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), EU và ECB đến nước này ngày 15/7 để kiểm tra tiến độ cải cách theo yêu cầu của họ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục