Thủ tướng chỉ đạo dứt khoát loại đầu tư dàn trải

Thủ tướng yêu cầu nắm chắc chủ chương, quan điểm chỉ đạo về tái đầu tư công, đảm bảo vốn đầu tư hiệu quả, tránh dàn trải, thất thoát.
Ngày 4/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 18/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm 2013-2015.

Hội nghị đã tập trung xem xét, thảo luận những vấn đề lớn như việc thực hiện nhiệm kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; xây dựng kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015, kế hoạch trái phiếu Chính phủ năm 2013 và đổi mới cơ chế quản lý và điều hành chương trình mục tiêu quốc gia…

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch năm 2013 là nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế đi đôi với việc tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹ lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 được nêu lên là, phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6-6,5%, kiềm chế lạm phát ở mức 5-6%, tỷ lệ bộ chi ngân sách nhà nước so với GDP là 4,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 12%, giảm 1,5-2% hộ nghèo.

Để hoàn thành các mục tiêu, định hướng phát triển của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu bật những giải pháp cơ chế chính sách chủ yếu trong năm 2013 được cụ thể hóa trong Khung hướng dẫn, bao gồm cơ chế chính sách về ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng hoa học công nghệ; đảm bảo an sinh xã hội gắn với giảm nghèo bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Về xây dựng kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015, kế hoạch trái phiếu Chính phủ năm 2013 và đổi mới cơ chế quản lý và điều hành chương trình mục tiêu quốc gia; cho biết trong Chỉ thị số 19/CT-TTg đã nêu đầy đủ các nội dung và nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư 3 năm 2013-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh những nguyên tắc chủ yếu cần quán triệt một cách nghiêm túc trong xây dựng kế hoạch đầu tư 3 năm 2013-2015 như: góp phần thực hiện các mục tiêu và các định hướng phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 trong phạm vi cả nước, trong từng ngành, từng lĩnh vực và từng vùng, từng địa phương; gắn với thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đồng thời, xây dựng trên cơ sở cân đối giữa các mục tiêu, nhu cầu đầu tư với khả năng cân đối vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2015; khả năng cân đối các nguồn vốn khác của nhà nước.

Đầu tư ngân sách nhà nước chỉ tập trung đầu tư cho các công trình, dự án đã được bố trí vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, đang triển khai trong các kế hoạch hàng năm để đảm bảo hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Đối với các dự án đầu tư mới, phải cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ bố chí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách, cấp thiết. Không bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án không thuộc nhiệm vụ chi đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Liên quan việc đổi mới cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 135/2009/QĐ-TTg ngày 4/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời dự thảo nội dung hướng dẫn xây dựng kế hoạch và lòng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015. Trong tháng 9/2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 để Chính phủ cho ý kiến, hoàn chỉnh, trình Quốc hội theo quy định.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2012 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra và đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực nhất là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội…Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 cần sự nỗ lực rất lớn của các Bộ, ngành, địa phương, trên cơ cở kiên trì bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm 2012.

Với tinh thần như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và làm làm phát cao trở lại; chủ động điều hành kiềm chết lạm phát theo mục tiêu và giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội nhất là giải quyết việc làm cho người lao động, quan tâm tới công tác giảm nghèo, chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế cho nhân dân.

Đề cập tới Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2013 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ định hướng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2013 , tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu cơ bản, mang tính chất nền tảng, luôn phải tăng cường các giải pháp để củng cố mục tiêu này. Cùng với đó là duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, phấn đấu khoảng 6-6,5%; kiềm chế lạm phát ở mức 5-6%; tiếp tục giảm bội chi ngân sách, giữ bội chi ngân sách khoảng 4,7%.

Để đạt được các mục tiêu trên, cần thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; sử dụng lĩnh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ để thực hiện lạm phát theo mục tiêu đã đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm phát triển bền vững. Thực hiện chính sách tài khóa phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh canh của nền kinh tế; đổi mới, đưa khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa… Tiếp tục tăng cường đầu tư xã hội, bên cạnh đầu tư từ vốn ngân sách cần tập trung huy động mọi nguồn lực khác nhau cho đầu tư. Thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh, phúc lợi và công bằng xã hội; thực sự tạo những chuyến biến mạnh mẽ đối với công tác này. Đảm bảo an sinh xã hội phải gắn liền với giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững.

Đề cập tới những vấn đề về đầu tư công, một nội dung của tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Tái đầu tư công để đảm bảo cho đầu tư công hiệu quản hơn, theo đúng trọng tâm, trọng điểm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương nắm chắc chủ chương, quan điểm chỉ đạo về tái đầu tư công, dự kiến danh mục dự án và mức vốn đầu tư cho từng dự án cụ thể, đảm bảo vốn đầu tư hiệu quả, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; tránh dàn trải, thất thoát, lãng phí.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu cần quyết liệt hơn nữa trong đổi mới cơ chế quản lý các Chương trình mục tiêu quôc gia. Việc lòng ghép các nguồn vốn phải được thực hiện ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách. Trong quá trình lồng ghép các nguồn vốn phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ của từng Chương trình./.

Nguyễn Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục