Thủ tướng Chính phủ: "Ngành y tế không được để xảy ra dịch bệnh lớn"

Chỉ đạo hội nghị ngành y tế, Thủ tướng yêu cầu ngành phải làm tốt hơn nữa công tác y tế dự phòng, dứt khoát không được để xảy ra các dịch bệnh lớn.
Thủ tướng Chính phủ: "Ngành y tế không được để xảy ra dịch bệnh lớn" ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Sáng 15/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2015, kế hoạch 2016 và nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016-2020.

​Đến dự và chỉ đạo hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của ngành y tế trong năm 2015 và những năm qua trong điều kiện kinh tế khó khăn.

“Tôi xin nhấn mạnh những năm qua ngành y tế đã có những bước tiến dài, bước phát triển khá tốt. Chúng ta thấy tự hào và có niềm tin bắt kịp các nước khác trên thế giới, thậm chí có khía cạnh chúng ta còn vượt họ. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá khá tốt như chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đã ngăn ngừa được nhiều dịch bệnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong số ít nước sản xuất được vắcxin đạt tiêu chuẩn phòng bệnh cho hàng trăm triệu người dân, công tác khám chữa bệnh chất lượng với nhiều kỹ thuật cao sánh ngang các nước khác…” Thủ tướng nêu rõ.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc chăm sóc sức khỏe nhân dân thời gian qua đạt được những kết quả, tiến bộ đáng trân trọng, tuy nhiên vẫn còn không ít mặt hạn chế yếu kém. Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế ​không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được.

​Thủ tướng nhấn mạnh ngành y tế cần nghiêm túc khắc phục những hạn chế yếu kém, nỗ lực vươn lên, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt nhấn mạnh ngành y tế cần tập trung chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, đảm bảo cho người dân tiếp cận được những dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, để phòng bệnh hơn chữa bệnh và dứt khoát không để xảy ra nhiều dịch bệnh lớn như vụ bùng phát dịch sởi trong năm 2014 vừa qua.

Thủ tướng dẫn chứng bệnh sốt xuất huyết cứ tái đi tái lại và đặt ra câu hỏi: ​Chúng ta có thể kiểm soát được không?

Về vấn đề quản lý rác thải y tế, Thủ tướng nhấn mạnh, theo báo cáo của Bộ Y tế, mới có 54% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo, vậy 46% bệnh viện còn lại nước thải đi đâu? Vì vậy, chính phủ hết sức lo lắng về điều này.

​Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cần tập trung chỉ đạo và huy động nguồn lực tốt ​để giải quyết nhanh, quyết liệt hơn vấn đề này.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành y tế cần phải làm tốt hơn nữa công tác an toàn thực phẩm, chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Công an... tìm giải pháp kiểm soát thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lương, nhiễm độc thức ăn, đặc biệt tại các khu công nghiệp.

Về điều trị, Thủ tướng đề nghị ngành y tế tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả của công tác khám chữa bệnh, giảm tải tại các bệnh viện tuyến cuối, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ, tăng số lượng người tham gia bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng công tác dân số…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế ​Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết năm 2015, ngành y tế tiếp tục hoàn thành 2/2 chỉ tiêu Quốc hội giao đó là: số giường bệnh trên 10.000 dân (không kể trạm y tế xã): giao 23,5, đạt 24,0; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm xuống dưới 15%, đạt 14,1%. Đạt 17/18 các chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, 1 chỉ tiêu không đạt là chỉ tiêu "Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh," giao 74 tuổi, đạt 73,3 tuổi.

Người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2015 và trong giai đoạn 2011-2015, vẫn còn rất nhiều các khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Tiến dẫn chứng, mô hình tổ chức hệ thống y tế còn nhiều đầu mối, thiếu thống nhất; Chất lượng dịch vụ y tế và các chỉ số sức khỏe nhân dân giữa các vùng miền còn chênh lệch lớn; Quá tải ở một số bệnh viện Trung ương và thành phố lớn; Việc kết hợp giữa phòng bệnh với chữa bệnh và phục hồi chức năng, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại còn hạn chế; Tỷ lệ chi tiền túi cho y tế còn ở mức cao; Người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế chiếm 25% dân số…

Về phương hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra 9 nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016-2020 gồm giảm quá tải bệnh viện; Phát triển y tế cơ sở; Chú trọng công tác y tế dự phòng; Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học; Tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế; Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế; Đổi mới mô hình tổ chức, quản lý an toàn thực phẩm, dược, vắcxin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế; Đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương; Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục