Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc tăng phản biện chính sách

Phát biểu tại hội nghị phối hợp công tác, Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc tăng cường công tác phản biện xã hội, giúp Chính phủ đưa ra những chính sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc tăng phản biện chính sách ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ký chương trình phối hợp vận động và giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2016-2020. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Sáng 30/3. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị phối hợp công tác giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước

Năm 2015, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường phối hợp thực hiện các mặt công tác theo Quy chế đã được ký kết. Mối quan hệ phối hợp đã tạo sự tin cậy và đạt được hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, góp phần phát huy dân chủ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Việc phối hợp nắm tình hình, trao đổi thông tin ngày càng chặt chẽ, nhất là trong việc triển khai thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Hầu hết các nội dung trong kết luận đã được các bộ, ngành phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai nghiêm túc, hoàn thành theo tiến độ; đã phối hợp giải quyết xong một số kiến nghị của Mặt trận về sửa đổi cơ chế, chính sách tồn đọng từ các năm trước.

Việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình khu dân cư tự quản, các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong đoàn viên, hội viên và nhân dân đã tạo động lực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đất nước, nhất là thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Việc phối hợp phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được triển khai mạnh mẽ thông qua việc đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp và dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng; các dự thảo văn bản pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013.

Các chương trình giám sát ở cấp Trung ương và nhiều chương trình giám sát ở cấp tỉnh, thành phố, trong đó, Chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được dư luận và nhân dân đánh giá cao. Ở các tỉnh, thành phố đã phối hợp và chủ trì được nhiều nội dung, chương trình giám sát các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân. Công tác phản biện xã hội bước đầu được triển khai có kết quả

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn một số hạn chế cần khắc phục: việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có lúc, có việc còn chưa kịp thời. Công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân có lúc chưa sâu sát.

Ở một số địa phương, chính quyền chưa quan tâm đến công tác phối hợp. Việc phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân; vẫn còn tồn đọng những vụ việc đơn thư giải quyết kéo dài, chưa dứt điểm...

Hai cơ quan thống nhất các trọng tâm phối hợp thời gian tiếp theo là: Củng cố, mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước; tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong góp ý xây dựng chính sách, pháp luật; triển khai thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện Đề án "Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013-2016''...


Làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá trong năm qua, sự phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là trong việc tổ chức giám sát Chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đúng hơn về trách nhiệm của mình trong công tác này.

Nhấn mạnh đến nội dung phối hợp trong năm 2016 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là về an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó Thủ tướng cho rằng, qua giám sát sẽ chỉ rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý trong các cấp chính quyền; có cơ chế giám sát theo tổ chức đến từng hộ kinh doanh, người dân; công khai và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Thông tin về các chương trình phối hợp giám sát năm 2015, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp thực hiện 8 chương trình giám sát lớn, đặc biệt là chương trình tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đạt được nhiều kết quả tốt.

Năm 2016, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thực hiện công tác giám sát, với mục tiêu mỗi năm ở Trung ương sẽ thực hiện 1-2 giám sát lớn, còn lại chuyển giao về địa phương để thực hiện; tiếp tục quan tâm đến các nội dung "nóng," nổi cộm để kịp thời tham mưu cho Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển đất nước; phối hợp tốt với các tổ chức thành viên, các bộ ngành thực hiện các phong trào thi đua với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Đối với chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc quan trọng nhất là vận động nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Muốn thực hiện tốt chương trình này, cần "bao phủ" được các đối tượng liên quan. Theo đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... trong việc vận động các đối tượng có liên quan trong việc chăn nuôi, trồng trọt sản phẩm sạch. Việc kiểm tra, giám sát có sự tham gia của các cấp chính quyền và có chế tài xử lý cụ thể.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong năm 2015, bên cạnh những mặt thuận lợi, đất nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, về tổng thể, đất nước đã đạt dược những thành tựu, kết quả quan trọng.

Trong những thành quả chung của đất nước 5 năm qua và đặc biệt là năm 2015, sự phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng hiệu quả, góp phần giúp cho hai bên thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Hiến pháp và pháp luật.

Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tăng cường hơn nữa việc vận động nhân sỹ trí thức, chức sách tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng xã hội, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia Mặt trận Tổ quốc các cấp; tiếp tục phối hợp tốt với Chính phủ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục phối hợp, tham mưu cho Chính phủ triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2016 một cách có trọng tâm, trọng điểm, chăm lo tốt đời sống nhân dân, trong đó, cần chú ý đến việc tạo ra các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, cụ thể, hiệu quả, không cứng nhắc để phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thủ tướng lưu ý Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, để phát huy quyền dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân.

"Giám sát là thực hiện tinh thần của Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân; phản biện là lắng nghe các ý kiến trái chiều để đưa ra các chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân." - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Hoan nghênh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện được 8 chương trình giám sát trong năm 2015, Thủ tướng đề nghị Mặt trận cần rút kinh nghiệm những mặt đã làm được, các hạn chế, thiếu sót để giao cho địa phương tiếp tục thực hiện.

Thể hiện sự quan tâm đến công tác phối hợp trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không có cách nào khách là phải công khai, minh bạch, xây dựng Nhà nước pháp quyền do dân và vì dân, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của người dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng hệ thống chính trị vững chắc để bảo vệ đất nước, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân. Đây chính là giải pháp căn cơ nhất.

Cũng trong buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã ký chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

Chương trình nhằm vận động toàn xã hội nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành vững chắc nếp sống văn hóa: Nông dân Việt Nam phải là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao uy tín của quốc gia.

Chương trình cũng nhằm mục tiêu tạo dư luận xã hội mạnh mẽ cổ vũ, biểu dương và tổ chức nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; kiên quyết phê phán, xử lý theo quy định của pháp luật hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Thông qua chương trình phối hợp hai bên sẽ đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Mục tiêu của chương trình là phấn đấu đến năm 2020 vận động được ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục