Thủ tướng Đức tới Trung Quốc dự tham vấn Chính phủ hai nước

Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Trung Quốc để tiến hành cuộc tham vấn thứ 4 giữa Chính phủ hai nước nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương.
Thủ tướng Đức tới Trung Quốc dự tham vấn Chính phủ hai nước ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AFP)

Tối 11/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dẫn đầu đoàn Chính phủ Đức gồm 6 bộ trưởng, 5 quốc vụ khanh và các doanh nghiệp lên đường tới Bắc Kinh (Trung Quốc) để tiến hành cuộc tham vấn thứ 4 giữa Chính phủ hai nước.

Phát biểu tại Berlin trước khi lên đường, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh ý nghĩa "rất quan trọng" của các cuộc tham vấn này, góp phần củng cổ và đẩy mạnh hợp tác rộng rãi giữa hai nước.

Theo nhà lãnh đạo Đức, không gian hợp tác thông qua các chương trình của các bộ, ngành giữa hai nước ngày càng lớn hơn sau khi hai chính phủ đạt được khuôn khổ hành động hợp tác năm 2014.

Trong năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Đức với Trung Quốc đạt khoảng 163 tỷ euro. Đức vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn thứ tư của Đức (sau Pháp, Mỹ và Anh) và là thị trường tiêu thụ quan trọng nhất thế giới cho hàng hoá máy móc của Đức.

Kể từ năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã tăng gấp 8 lần. Theo kế hoạch, vào ngày 14/6, Thủ tướng Merkel sẽ thăm thành phố Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc nhằm trải nghiệm cũng như ủng hộ việc cải cách cấu trúc được thúc đẩy tại thành phố này.

Báo chí Đức nhận định bà Merkel đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến công du tới Trung Quốc lần này. Liên quan lợi ích kinh tế, Thủ tướng Merkel sẽ thảo luận với giới chức Trung Quốc về việc nhập thép giá rẻ của Trung Quốc vào thị trường châu Âu, cũng như khả năng châu Âu đánh thuế chống bán phá giá thép của Trung Quốc vào thị trường này. Trung Quốc là quốc gia sản xuất 50% lượng thép tiêu thụ trên thế giới.

Cho tới nay, Đức đang tiến hành tham vấn cấp chính phủ với 11 quốc gia trên thế giới, trong đó Pháp là quốc gia tiến hành tham vấn sớm nhất với Đức (năm 1963) và mới nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (2016)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục