Thủ tướng Hàn Quốc lạc quan về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ "thành công rực rỡ" và giúp chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh thông qua hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng Hàn Quốc lạc quan về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ảnh 1Hàn Quốc tin tưởng ở cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và Donald Trump. (Nguồn: AFP)

Yonhap đưa tin, ngày 16/5, trong bài phát biểu tại diễn đàn an ninh do một tờ báo địa phương tổ chức, Thủ tướng Lee Nak-yon cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6 tới sẽ "thành công rực rỡ" và giúp chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh thông qua hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Thủ tướng Lee nêu rõ: "Nếu trong tương lai, lịch sử nói rằng Chiến tranh Lạnh chấm dứt hoàn toàn thông qua hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo (Triều Tiên), thì tôi tin hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều ngày 27/4 và hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ ngày 12/6 tới sẽ được coi là góp công lớn nhất."

Ông Lee ca ngợi Tổng thống Trump giúp tạo ra cú lộn ngược dòng ngoạn mục với tình hình trên bán đảo Triều Tiên bằng "trí thông minh và quyết tâm" của mình.

Ông cũng bày tỏ sự biết ơn đối với Liên hiệp quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và các quốc gia khác vì sự hỗ trợ của họ cho tiến trình hòa bình.

[Mỹ sẽ đánh giá lời đe dọa hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh của Triều Tiên]

Ông nói: "Hàn Quốc sẽ thể hiện sự can đảm và kiên trì trong cách đối phó và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng sau cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Mỹ. Chúng tôi sẽ tham vấn và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế trong từng giai đoạn sắp tới."

Tuy nhiên, ông Lee không hề đề cập tới quyết định phút chót đình chỉ cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc của Triều Tiên trong ngày 16/5.

Cuộc gặp dự kiến giữa ông Trump và ông Kim ngày 12/6 tại Singapore sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nước đã từng đối đầu nhau trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Cuộc chiến chấm dứt với thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải một hiệp định hòa bình, để lại một bán đảo bị chia cắt vẫn tiếp tục ở trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục