Thủ tướng: Hậu Giang tập trung đi lên từ nông nghiệp, chăn nuôi

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng lưu ý Hậu Giang cần tập trung đi lên từ tiềm năng lợi thế của tỉnh nhà là làm nông nghiệp và chăn nuôi.
Thủ tướng: Hậu Giang tập trung đi lên từ nông nghiệp, chăn nuôi ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Chiều 9/4, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và công tác triển khai Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Cùng dự làm việc có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Là địa phương được xem là trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ, đến thời điểm này, Hậu Giang đã đạt 17/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 và đang quyết liệt phấn đấu hoàn thành 2 chỉ tiêu còn lại hết năm 2015 là xây dựng 11 xã nông thôn mới và đạt tốc độc tăng trưởng kinh tế ở mức 13,5%.

Theo báo cáo của tỉnh, 3 tháng đầu năm 2015, tình hình sản xuất nông nghiệp có nhiều khả quan hơn so với cùng kỳ, đáng chú ý là vụ lúa Đông-Xuân tăng cả 3 mặt (diện tích tăng hơn 2.400ha so với kế hoạch, năng suất tăng ước hơn 0,4 tấn/ha; tổng sản lượng ước tăng 22.000 tấn so với cùng kỳ). Song tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và tiến độ thu mua lúa tạm trữ chậm đang là những khó khăn lớn ảnh hướng đến giá trị sản xuất nông nghiệp của Hậu Giang.

Báo cáo với Thủ tướng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc cho biết, đến nay, Hậu Giang đã hoàn thành Đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015-2017 với số cấp ủy viên mới tăng 22,5%, cấp ủy viên nữ tăng 1,21% so với nhiệm kỳ trước.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã góp ý một số vấn đề nhằm thúc đẩy kết quả phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hậu Giang và cho ý kiến cụ thể về một số chương trình, dự án đầu tư hạ tầng lớn tại Hậu Giang như Dự án đầu tư đường tỉnh lộ 927C; cơ chế chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng cam kết sẽ ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Trung tâm Điện lực Sông Hậu; dự án xây dựng đường dây 500kv sông Hậu-Mỹ Tho đoạn đi qua địa bàn Hậu Giang.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Hậu Giang. Từ một địa phương với nhiệm vụ trọng tâm là xóa đói giảm nghèo, giải quyết những hậu quả nặng nề sau chiến tranh kể từ ngày mới chia tách tỉnh, với những cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của Trung ương, Hậu Giang đã vươn lên thành một tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, một điểm tựa kinh tế nông nghiệp của khu vực Tây Nam Bộ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số điểm hạn chế, mong muốn Hậu Giang từng bước khắc phục, cải thiện như nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít; hạ tầng kỹ thuật, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới;.

Trên tinh thần đó, để đảm bảo tiến độ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 của tỉnh, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền Hậu Giang nỗ lực phấn đấu, xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực nhằm phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Đại hội đảng bộ tỉnh đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Song song với đó, thực hiện tốt việc tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh, bầu ra cấp ủy mới có đầy đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo, được đảng viên, quần chúng tin cậy.

Nhấn mạnh đến hướng phát triển của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Hậu Giang cần tập trung đi lên từ tiềm năng lợi thế của tỉnh nhà là làm nông nghiệp và chăn nuôi; phát huy truyền thống trung hậu bất khuất, chăm chỉ, cần cù, đảm đang của người dân sông Hậu.

Trong phát triển nông nghiệp, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần xoay quanh ba trụ cột: Lúa, cá, trái cây sao cho hiệu quả, thu nhập của người nông dân ngày một cao hơn. Đặc biệt cần ưu tiên đầu tư, vận hành tốt công tác thủy lợi, tiêu úng, để bà con yên tâm sản xuất. Tỉnh cũng cần mở rộng chăn nuôi cá tra, cá ba sa phục vụ xuất khẩu trong bối cảnh việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế với các thị trường lớn đang hoàn tất. Ngoài ra, tăng cường liên kết hợp tác, đẩy mạnh các mô hình sản xuất mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hậu Giang đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp từ khâu lựa chọn con giống, cây trồng năng suất cao, giá thị trường tốt đến quy trình canh tác, để tăng năng suất lao động theo phương châm: Nhà nước hỗ trợ để người nông dân trực tiếp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ gợi ý Hậu Giang đẩy mạnh việc thiết lập mặt bằng sạch, kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, qua đó giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm hơn nữa đến đầu tư cho giáo dục do đặc thù điều kiện tự nhiên sông nước, giao thông khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển các chỉ tiêu giáo dục.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Hậu Giang cũng cần chú ý tăng cường cải cách hành chính; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước để tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhân dân và doanh nghiệp; qua đó nâng cao chỉ số cạnh tranh của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục