Thủ tướng Hy Lạp đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước

Đối với nhiều người, việc Thủ tướng Tsipras trở lại ghế nóng giống như vượt qua "canh bạc mạo hiểm" đầu tiên và thách thức thật sự vẫn còn ở phía trước.
Thủ tướng Hy Lạp đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước ảnh 1Lãnh đạo Đảng Syriza Alexis Tsipras phát biểu trước những người ủng hộ sau khi kết quả bầu cử được công bố. (Nguồn THX/TTXVN)

Sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Hy Lạp, ông Alexis Tsipras ngày 21/9 đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp nhiệm kỳ thứ hai với hy vọng sẽ làm hồi sinh nền kinh tế đang suy kiệt và tìm cách xóa nợ cho đất nước.

Mặc dù vậy, đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng trong bối cảnh nền kinh tế “xứ sở các vị Thần” đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Đối với nhiều người, việc Thủ tướng Tsipras trở lại ghế nóng giống như vượt qua "canh bạc mạo hiểm" đầu tiên và thách thức thật sự vẫn còn ở phía trước, khi ông bắt tay vào thực hiện các cải cách khắc nghiệt theo yêu cầu của chủ nợ quốc tế để đổi lấy gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro dành cho đất nước.

Từ tháng 10/2015, Hy Lạp sẽ phải trải qua đợt đánh giá đầu tiên về việc thực hiện Bản ghi nhớ chương trình cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU). Trách nhiệm của Thủ tướng Tsipras là phải nhanh chóng tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng và ngăn chặn suy thoái kinh tế.

Tiếp đó, Athens sẽ phải bỏ phiếu thông qua các luật liên quan tới thỏa thuận: tăng thuế thu nhập, thắt chặt chính sách thuế liên quan đến nông dân, cải cách chính sách hưu trí, giải phóng một số thị trường, tư nhân hóa tài sản quốc doanh.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp này sẽ tác động rất mạnh tới xã hội Hy Lạp và có thể gây ra sự bất mãn, khiến một số nghị sỹ đảng Syriza dao động mặc dù họ chưa quyết định sẽ rời khỏi đảng trong cuộc chống đối hồi tháng Tám vừa qua.

Trả lời phỏng vấn báo L’Express, Georges Sefertzis - chuyên gia chính trị học Hy Lạp - nhận xét: “Kinh nghiệm đã qua cho thấy mỗi lần thông qua một biện pháp cứu trợ mới, Pasok (đảng Xã hội), khi còn nắm quyền, lại mất đi một số nghị sỹ nhất định” và Syriza cũng khó tránh vấn đề tương tự.

Theo ước tính của nhật báo Kathimerini (Hy Lạp), ít nhất 40 biện pháp mới liên quan đến các nội dung trên sẽ phải có hiệu lực từ nay đến cuối năm.

Ngoài ra, sẽ còn một đợt tăng thuế giá trị gia tăng mới áp dụng từ ngày 1/10. Ngân sách quốc phòng sẽ bị cắt giảm, giúp tiết kiệm ngân sách khoảng 12 tỷ euro trong hai năm.

Chưa dừng lại ở đó, từ nay đến năm 2021, Hy Lạp sẽ phải bãi bỏ tất cả các quy định cho phép nghỉ hưu sớm, đồng thời dần dần mở rộng diện nâng tuổi nghỉ hưu lên 67.

Việc cắt bỏ trợ cấp đối với những người có lương hưu thấp sẽ có hiệu lực trước năm 2019. Mục tiêu là tiết kiệm khoảng 0,25% GDP năm nay và 1% trong năm tới.

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa là việc tìm cách giảm bớt gánh nợ đang đè nặng lên vai “xứ sở các vị Thần.”

Ông Tsipras cho rằng sau khi trải qua một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử, Hy Lạp sẽ không thể hồi phục và trở thành một quốc gia công nghiệp lớn trong thời hiện đại, nếu số nợ của đất nước không được giảm nhẹ.

Trước mắt, để thực hiện các biện pháp do EU áp đặt, nhiều khả năng ông Tsipras phải xem xét thành lập một nhóm đặc biệt để duy trì liên hệ với Brussels. Athens không có nhiều lựa chọn liên quan đến các vấn đề xã hội.

Hiện chính quyền Thủ tướng Tsipras chỉ có hai con đường để chứng tỏ khác biệt với các chính đảng truyền thống là tái đàm phán để cơ cấu lại nợ và chống tham nhũng.

Ông Georges Sefertzis nhận xét: “Nếu thực hiện được cam kết buộc giới nhà giàu trả thêm thuế và ngăn chặn nạn trốn thuế, Alexis Tsipras có thể thành công trong việc 'tiêu hóa' liều thuốc đắng là chính sách khắc khổ và bù lại một phần hậu quả của chính sách này đối với bình đẳng xã hội”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục