Cam kết không hỗn loạn

Thủ tướng Iceland cam kết không xảy ra hỗn loạn

Thủ tướng Iceland cam kết không để xảy ra tình trạng hỗn hoạn về chính trị và kinh tế vì kết quả cuộc trưng cầu ý một ngày trước.
Ngày 10/4, Thủ tướng Iceland Johanna Sigurdardottir cam kết không để xảy ra tình trạng hỗn hoạn sau khi cử tri nước này một lần nữa bác bỏ thỏa thuận về bồi thường cho Anh và Hà Lan trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trước đó một ngày.

Phát biểu trên Đài truyền hình nhà nước, bà Sigurdardottir cho rằng cử tri Iceland đã lựa chọn một quyết định tồi tệ nhất, gây chia rẽ đất nước trong vấn đề bồi thường cho Anh và Hà Lan. Bà cam kết chính phủ sẽ nỗ lực hết sức không để xảy ra tình trạng hỗn loạn về chính trị và kinh tế trong nước vì kết quả cuộc trưng cầu ý dân lần này.

Từ Amsterdam, Hà Lan, Bộ trưởng Tài chính nước này Jan Kees de Jager tỏ ý thất vọng khi cử tri Iceland lựa chọn quyết định ông cho là không có lợi cho cả hai nước. Ông cho biết thời gian thương lượng đã hết và các tòa án quốc tế sẽ giải quyết vấn đề bồi thường giữa Iceland với Hà Lan.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Anh cũng tuyên bố sẽ theo kiện Iceland tại các tòa án quốc tế nhằm đòi lại số tiền mà London đã trả cho các công dân Anh bị thiệt hại sau khi ngân hàng Icesave của Iceland phá sản năm 2008.

Anh và Hà Lan đã bỏ ra tổng cộng 3,9 tỷ euro (tương đương 5,6 tỷ USD) để thanh toán cho các công dân nước họ bị thiệt hại vì gửi tiền tại Icesave, đồng thời yêu cầu chính quyền Iceland bồi hoàn số tiền này.

Mặc dù Quốc hội Iceland đã phê chuẩn thỏa thuận về bồi thường cho Anh và Hà Lan, song tổng thống nước này vẫn từ chối ký ban hành văn bản này thành luật, dẫn đến các cuộc trưng cầu ý dân.

Theo kết quả kiểm phiếu mới nhất tại 5 trong số 6 khu vực trưng cầu ý dân, gần 60% cử tri Iceland đã bác bỏ thỏa thuận mới, đã được Reykjavik thương lượng lại với hai bên hữu quan và được xem là có lợi hơn đối với Iceland.

Với kết quả này, Iceland sẽ đối mặt với quá trình tranh tụng kéo dài từ một đến hai năm tại tại Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA), tổ chức thay Tòa án Pháp lý châu Âu giải quyết những tranh cãi liên quan các nước thành viên Khu vực Kinh tế châu Âu gồm Iceland, Liechtenstein và Na Uy.

Trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 3/2010, khoảng 93% cử tri Iceland đã nói "không" với thỏa thuận ban đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục