Thủ tướng Israel "đơn độc" trong cuộc chiến với Iran

Cuộc tranh cãi công khai giữa Israel và Mỹ trong tuần này sẽ khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu gặp khó khăn trong việc đơn phương tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Iran và đối mặt với nguy cơ bị suy giảm vị thế ở trong nước.

Mặc dù đã nhiều năm liên tục cảnh báo về nguy cơ Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân, song nhà lãnh đạo Israel này đã không thể khiến bất kể cường quốc nào trên thế giới tin rằng cần thiết phải có các hành động quân sự chống Tehran, và ông cũng chưa thể thuyết phục được chính người dân Israel rằng họ nên tự mình hành động.
Cuộc tranh cãi công khai giữa Israel và Mỹ trong tuần này sẽ khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu gặp khó khăn trong việc đơn phương tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Iran và đối mặt với nguy cơ bị suy giảm vị thế ở trong nước. Mặc dù đã nhiều năm liên tục cảnh báo về nguy cơ Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân, song nhà lãnh đạo Israel này đã không thể khiến bất kể cường quốc nào trên thế giới tin rằng cần thiết phải có các hành động quân sự chống Tehran, và ông cũng chưa thể thuyết phục được chính người dân Israel rằng họ nên tự mình hành động. Tranh cãi với ông Obama Do ông Netanyahu ngày càng gia tăng các cuộc tranh cãi với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay giữa chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông Obama, vị thủ tướng này đã phải chịu sự chỉ trích từ chính Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak, đồng thời khiến Tehran được "hả hê" khi chứng kiến hai kẻ thù của mình cãi vã nhau. Alon Liel, cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Bộ Ngoại giao Israel, nói: "Ông Netanyahu đã 'quá mạnh tay' và chính ông đã gây ra nhiều rắc rối với Tổng thống Obama. Điều này sẽ khiến ông Netanyahu gặp khó khăn nếu ông Obama tái đắc cử." Ngày 11/9, do cảm thấy tức giận vì Washington không chịu đưa ra những giới hạn rõ ràng đối với chương trình hạt nhân của Iran, ông Netanyahu đã chỉ trích ông Obama khi nói rằng những ai không thể vạch ra "giới hạn đỏ" đối với Iran thì về mặt đạo đức, họ không có quyền cản trở Israel tấn công nước này. Quan hệ hai nước càng trở nên căng thẳng hơn khi chỉ trong 2 ngày, các quan chức cấp cao của Israel đã hai lần tổ chức họp báo để lên án việc hoạch định chính sách của Mỹ và sau đó cho biết Tổng thống Obama đã từ chối tiếp ông Netanyahu khi cả hai sẽ có mặt ở New York cuối tháng này. Nhà Trắng phủ nhận sự việc trên, nói rằng họ chưa từng nhận được yêu cầu gặp mặt và ông Obama đã ngay lập tức nhấc điện thoại gọi cho ông Netanyahu. Trong những giờ sau đó, Israel đã tìm cách giảm bớt bất đồng giữa hai nước, song quan hệ hai nước thực sự đã bị tổn hại. Báo chí Israel tỏ ra thất vọng vì quan hệ song phương giảm sút. Oded Eran, một nhà nghiên cứu kỳ cựu và từng là người đứng đầu Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, nói: "Thực tế có thể ít nghiêm trọng hơn so với những gì báo chí đề cập. Tuy nhiên, sự sáng suốt là rất quan trọng. Ý tưởng răn đe (Iran) của Israel đã bị tổn hại và rất khó để có thể sửa chữa." Thế giới chán ngấy Netanyahu Bằng cách thường xuyên gióng lên "hồi trống chiến tranh", ông Netanyahu đã thành công trong việc khiến các đồng minh phương Tây tăng cường hơn nữa các lệnh trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, ông vẫn chưa thể thuyết phục được họ rằng cần có các hành động quân sự đối với Iran, và thậm chí ông còn không thể giành được sự ủng hộ của các nước phương Tây đối với sáng kiến tự hành động của Israel. Gidi Grinstein, người sáng lập Viện Reut, nói: "Tâm trạng thất vọng của Israel xuất phát từ quan điểm cho rằng các lệnh trừng phạt và các vòng đàm phán không đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, hành động thiếu tính pháp lý và công khai thách thức Mỹ của Israel là vô cùng mạo hiểm." [Lãnh đạo của Mỹ và Israel thảo luận về vấn đề Iran] Israel hiểu rõ rằng sẽ rất khó để các lực lượng vũ trang của họ có thể gây thiệt hại đáng kể cho các cơ sở hạt nhân nằm rải rác trên khắp Iran. Do đó, các nhà cầm quyền Israel đã nhiều lần nói rằng họ muốn quân đội Mỹ cùng tham gia, với lập luận rằng một Iran được trang bị hạt nhân là mối đe dọa đối với toàn thế giới. Tuy nhiên, Mỹ lại từ chối yêu cầu của Israel trong việc vạch ra ranh giới rõ ràng hơn cho Tehran, đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn cho biết Washington sẽ không áp đặt bất kể đường giới hạn nào đối với Iran. Những bình luận của bà Clinton đã khiến Chính quyền Netanyahu nổi giận. Một quan chức cấp cao của Israel đã lên án "những bình luận mập mờ" của Mỹ, ông nói: "Cách dễ dàng nhất là cùng ngồi lại và đừng làm phức tạp thêm vấn đề với ông Obama. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu lại cho rằng ông phải nói rõ ràng mọi chuyện, ngay cả khi điều đó không được mọi người ủng hộ và gây ra xung đột." Song, ông Netanyahu có thể sẽ hối hận vì những lời nói thẳng thắn của ông. Người Israel hiểu rằng Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của họ và những vị thủ tướng tiền nhiệm từng có các cuộc tranh cãi công khai với Washington luôn phải chịu sự chỉ trích nặng nề ở trong nước. Chắc chắn, các chính trị gia đối lập tại Israel đang lên án cách giải quyết tình thế ngày càng phức tạp này của Thủ tướng Netanyahu. Shaul Mofaz, người đứng đầu đảng Kadima - đảng đối lập lớn nhất tại Israel, nói: "Israel đang cố gắng chống lại ai? Chính quyền ở Washington hay ở Tehran?. Thế giới không chán ghét Israel, thế giới chán ngấy Netanyahu và không tin tưởng ông ta."
Thủ tướng Israel "đơn độc" trong cuộc chiến với Iran ảnh 1
Người dân Tel Aviv biểu tình phản đối chính phủ muốn sử dụng vũ lực với Iran (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Quốc phòng cũng chỉ trích Điều khiến ông Netanyahu lo ngại hơn là việc ông bị chính Bộ trưởng Quốc phòng của ông chỉ trích. Trong một tuyên bố do Bộ trưởng Quốc phòng Barack đưa ra, ông cho rằng những vấn đề giữa Mỹ và Israel cần được giải quyết một cách kín đáo chứ không phải là được phô bày công khai. Ông nói: "Mặc dù tồn tại nhiều khác biệt và Israel cần phải có các hành động độc lập của mình, song chúng ta nên nhớ tới tầm quan trọng của quan hệ đối tác với Mỹ và cố gắng hết sức không làm tổn hại mối quan hệ này." Truyền thông Israel đưa tin rằng những bình luận của ông Barak đã khiến Thủ tướng Netanyahu tức giận và một thành viên trong đảng Likud của ông đã các buộc vị bộ trưởng này là đang tìm cách "ghi điểm" trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều đồn đại về việc Israel sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Ông Barak đứng đầu đảng Atzmaut, một đảng nhỏ trong chính phủ liên minh hiện nay. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đảng này có thể sẽ chẳng giành được dù chỉ là một ghế trong Quốc hội trong cuộc bầu cử sắp tới. Phó Thủ tướng Moshe Yaalon, người từ lâu đã có tham vọng giành được chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng, nói: "Tôi lấy làm tiếc khi Bộ trưởng Quốc phòng Barak lại chọn cách hy sinh các lợi ích quốc gia để bắt đầu chiến dịch tranh cử của ông ấy." Phát ngôn viên của ông Barak đã phủ nhận việc quan hệ giữa ông Barak và Thủ tướng Netanyahu có rạn nứt. Tuy nhiên, thực tế mối quan hệ này đã bị tổn hại khi hai nhân vật lẽ ra phải hợp tác chặt chẽ để cùng nhau vạch ra các chiến lược quân sự cho Israel dường như lại bất đồng về cách thức thực hiện công việc ấy./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục