Thủ tướng Italy ký dự luật cứu Rome khỏi phá sản

Ngày 28/2, chính phủ của tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã thông qua một dự luật đặc biệt nhằm cứu thủ đô Rome khỏi phá sản.
Thủ tướng Italy ký dự luật cứu Rome khỏi phá sản ảnh 1Tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một động thái mang tính chất khẩn cấp, chính phủ của tân Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã thông qua một dự luật đặc biệt nhằm cứu thủ đô Rome khỏi phá sản.

Dự luật trên được đưa ra hôm 28/2, sau khi thị trưởng Rome Ignazio Marino lên tiếng cảnh báo về việc chính quyền thành phố sẽ ngừng hoạt động vào ngày 2/3 do không còn kinh phí.

Theo dự luật mang tên "Cứu Rome" này, chính phủ sẽ bơm trước cho ngân sách của thành phố 550 triệu euro, chỉ bằng hơn nửa số tiền 816 triệu euro thâm hụt khiến thủ đô của Italy đứng trước nguy cơ phá sản.

Hôm 27/2, ông Marino đã lên tiếng khẳng định toàn bộ hệ thống giao thông công cộng của thủ đô từ ngày 2/3 cũng như các hoạt động chuẩn bị cho việc phong thánh các Giáo hoàng John XXIII và John Paul II vào tháng Tư tới sẽ bị ngưng trệ vì thành phố không còn tiền để chi trả cho hàng chục nghìn nhân viên.

Trước đó, Hạ viện Italy đã bác dự luật ngân sách cho thành phố, cho rằng việc chấp thuận con số thâm hụt ngân sách nói trên đồng nghĩa với việc sẽ tạo điều kiện cho việc tăng thuế đánh vào người dân và các hoạt động dịch vụ, đồng thời đòi sửa đổi nhiều điểm trong dự luật mà tòa thị chính Rome đưa ra.

Theo thị trưởng Marino, khoản thâm hụt khổng lồ nói trên là do ông được "thừa hưởng" từ thời thị trưởng cũ, ông Alemanno, một người thuộc phe trung hữu.

Theo báo chí Italy, các khoản chi tiêu quá phóng tay và thiếu hiệu quả của chính quyền thành phố trong nhiều thập kỷ, với một đội ngũ nhân sự ngày càng phình to, cũng như khả năng quản lý yếu kém của bộ máy hành chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vỡ nợ này.

Kể từ năm 2012, hàng chục thành phố nhỏ của Italy đã vỡ nợ, sau khi một đạo luật được chính phủ đưa ra nhằm cắt ngân sách cấp cho các địa phương nào không áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để cân bằng thu chi. Điều trớ trêu là Rome, thủ đô Italy, thành phố lớn nhất nước này với gần 4 triệu dân và là trung tâm hành chính, kinh tế và chính trị lại rơi vào tình trạng này.

Theo dự luật đặc biệt này, Rome sẽ phải trả nợ cho nhà nước theo từng gói trong nhiều năm, đồng thời buộc thành phố phải cắt giảm nhân sự, lựa chọn giữa việc tư hữu hóa các dịch vụ mà tòa thị chính đang kiểm soát hoặc tăng thuế.

Dự luật cũng yêu cầu Rome phải có biện pháp khẩn cấp nhằm cân bằng thu chi. Dự luật này cũng sẽ chỉ được áp dụng cho Rome và sẽ không được áp dụng cho những nơi khác.

Italy hiện đang trong khủng hoảng nghiêm trọng, với số nợ công đã lên đến 133,7% tính đến tháng 1/2014, và chính phủ của Thủ tướng Renzi cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế lớn khác.

Trong hôm 28-2, ngoài việc giải quyết vấn đề "Cứu Rome," ông Renzi cũng hoàn thiện bộ máy chính phủ bằng việc bổ nhiệm 9 thứ trưởng và 35 hàm ngang thứ trưởng để hỗ trợ cho 16 bộ trưởng mà ông đã bổ nhiệm vào cuối tuần trước.

Như vậy, chính phủ của Renzi sẽ ít hơn chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Enrico Letta, người bị ông Renzi gây sức ép phải từ chức hôm 14/2, năm bộ trưởng và bốn thứ trưởng.

Việc bổ nhiệm ít bộ trưởng và thứ trưởng hơn nội các trước của ông Renzi được báo chí Italy cho là một tấm gương tốt nhằm thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng trong hoàn cảnh nền kinh tế khủng hoảng.

Chương trình cải cách hệ thống chính trị mà Thủ tướng Renzi đưa ra cũng bao gồm cả việc giảm quyền lực của Thượng viện, biến viện quốc hội này thành một hội đồng các vùng của đất nước và loại bỏ chính quyền cấp tỉnh của Italy để cắt giảm ngân sách cho bộ máy quá cồng kềnh, đồng thời tăng hiệu năng của chính quyền địa phương.

Hôm 27/2, trong một động thái cắt giảm chi tiêu được dư luận nước này hoan nghênh, Hạ viện Italy cũng thông báo sẽ cắt toàn bộ tiền cước điện thoại hàng tháng dành cho các hạ nghị sĩ từ nay đến hết năm. Tổng cộng số tiền sẽ tiết kiệm được từ chính sách này là 1,2 triệu euro./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục