Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg đệ đơn từ chức

Theo Hiến pháp Na Uy, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của nước này Jens Stoltenberg ngày 10/9 đã đệ đơn từ chức lên nhà vua Harald V.
Theo Hiến pháp Na Uy, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của nước này Jens Stoltenberg ngày 10/9 đã đệ đơn từ chức lên nhà vua Harald V, sau thất bại của liên minh trung - tả do ông đứng đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra một ngày trước đó.

Trong đơn xin từ chức, ông Stoltenberg nêu rõ "theo Hiến pháp Na Uy, tôi xin thông báo rằng chính phủ do tôi đứng đầu sẽ từ nhiệm vào ngày 14/10 tới, thời điểm đệ trình dự thảo ngân sách quốc gia năm 2014 và thành phần liên minh cầm quyền trở nên rõ ràng".

Trong thời gian tới, theo luật định, Thủ tướng Stoltenberg sẽ phải đề cử một ứng cử viên đứng đầu chính phủ lên Nhà vua Harald V. Sau đó, Nhà vua Harald V sẽ có các cuộc gặp các đảng phái có tiềm năng thành lập một chính phủ liên minh mới. Từ năm 1961 đến nay, chưa có một đảng phái nào ở Na Uy giành được đa số ghế trong Quốc hội để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ.

Theo kết quả kiểm 99,9% số phiếu bầu, liên minh trung - hữu do đảng Bảo thủ của ông Erna Solberg đứng đầu (cùng với đảng Tiến bộ và 2 đảng nhỏ Tự do, Dân chủ Cơ đốc giáo) đã giành chiến thắng với 96/169 ghế tại Quốc hội, trong khi liên minh trung - tả do đương kim Thủ tướng Stoltenberg, Chủ tịch Công đảng (LP) đứng đầu, chỉ giành được 72 ghế. Một ghế còn lại thuộc về đảng Môi trường độc lập.

[Bầu cử QH Na Uy: Liên minh cánh hữu chiến thắng]

Giới phân tích quốc tế nhận định chiến thắng được coi là lớn nhất trong lịch sử của đảng Bảo thủ đã làm thay đổi cục diện chính phủ, chấm dứt 8 năm cầm quyền của liên minh trung - tả và mở ra một giai đoạn mới cho một chính phủ trung - hữu do đảng Bảo thủ đứng đầu. Sự thất bại của LP không phải vì quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ này hoạt động yếu kém dưới sự điều hành của Thủ tướng Stontenberg, ngược lại kinh tế Na Uy vẫn vận hành tốt, thậm chí vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất châu Âu trong vòng nhiều thập kỷ qua.

Một trong những nguyên nhân khiến chính phủ của ông Stoltenberg bị "mất điểm" trong thời gian cầm quyền là đã không ngăn chặn được vụ thảm sát kinh hoành ngày 22/7/2011 của một phần tử cực hữu, cướp đi sinh mạng của 77 người./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục