Thủ tướng Nepal kêu gọi tổ chức bầu cử trước hạn

Thủ tướng Nepal kêu gọi tổ chức bầu cử sớm sau khi các chính đảng không thể đạt nhất trí về một bản hiến pháp mới thời hậu chiến.
Ngày 28/5, Thủ tướng Nepal Baburam Bhattarai đã kêu gọi tổ chức bầu cử sớm sau khi các chính đảng không thể đạt nhất trí về một bản hiến pháp mới thời hậu chiến, buộc Quốc hội nước này phải giải tán và đẩy Nepal vào một cuộc khủng hoảng chính trị.

Phát biểu trên truyền hình khi thời hạn chót phải hoàn tất hiến pháp đã hết, Thủ tướng Bhattarai đổ lỗi các đảng đối lập trong liên minh đã khiến đàm phán thất bại. Ông cho biết thêm: "Dù chúng tôi không thể soạn thảo một bản hiến pháp mới, nhưng đã quyết định tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Hội đồng lập hiến vào ngày 22/11."

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nội các quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, cho phép Quốc hội tiếp tục làm việc thêm sáu tháng nữa để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử.

Cùng ngày lãnh đạo các đảng trong liên minh cầm quyền gồm Đảng Đại hội Nepal, Đảng UML và Đảng Mặt trận Thống nhất Dân chủ Madhesi (UDMF) tiến hành họp với Tổng thống Ram Baran Yadav để quyết định xem việc kêu gọi bầu cử trước hạn có là hành động vi hiến hay không.

Trong khi đó, hàng nghìn người thuộc nhiều nhóm dân tộc và chính trị khác nhau đã tụ tập gần trụ sở Quốc hội. Một số người đã cố vượt hàng rào an ninh và đụng độ với các nhân viên an ninh, khiến cảnh sát phải dùng hơi cay giải tán đám đông. Rất may không ai bị thương nặng. Quân đội cũng được đặt trong tình trạng cảnh giác trên cả nước và sẵn sàng can thiệp nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ bùng phát bạo lực.

[Nepal giải tán quốc hội và rơi vào khủng hoảng]

Quốc hội Nepal hiện tại được bầu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008 với nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp mới sau 10 năm nội chiến (1996-2006) làm 16.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc đàm phán, các chính đảng đối địch ở Nepal đã không thể nhất trí về cấu trúc liên bang mới nên Quốc hội phải bị giải tán, mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn vào tháng 11 tới.

Hiến pháp mới có mục đích tạo ra một nước cộng hòa vô thần và dân chủ sau khi Nepal bãi bỏ chế độ quân chủ năm 2008, đồng thời đem lại ổn định và thống nhất hơn 100 dân tộc thiểu số tại quốc gia nghèo khó này. Trong khi UML muốn thành lập một nhà nước gồm 14 bang tương ứng với các nhóm sắc tộc, thì các phe phái đối địch cho rằng việc chia Nepal theo ranh giới sắc tộc sẽ chỉ làm bùng phát xung đột. Vì vậy, sau bốn lần ra hạn thêm, Hội đồng Lập hiến hiện nay của Nepal vẫn không thể hoàn tất một bản dự thảo Hiến pháp. Trong khi đó, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết rằng việc tiếp tục gia hạn thêm cho cơ quan này sẽ là bất hợp pháp.

Bất ổn chính trị đã kéo tụt tăng trưởng kinh tế của Nepal, buộc nhiều người phải tìm việc làm ở nước ngoài và khiến hàng nghìn người xuống đường biểu tình trong thời gian qua để phản đối tình trạng trì trệ kéo dài./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục