Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Thái Lan

Tối 12/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Thái Lan, trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 6 (CLMV6), Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawadi-Chao Phraya-Mekong lần thứ 5 (ACMECS 5) và Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 7 (CLV7) tại Vientiane, tối 12/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, an ninh quốc phòng đến kinh tế thương mại đầu tư, văn hóa xã hội, đặc biệt kể từ sau cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 2 (ngày 27/10/2012).

Hai Thủ tướng nhất trí chỉ đạo Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan tích cực trao đổi, xây dựng nội hàm và lộ trình thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan và thúc đẩy họp cơ chế Ủy Ban Hỗn hợp song phương hai nước trong năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ hài lòng trước sự nỗ lực của hai nước trong việc tăng cường hợp tác kinh tế và khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam và mong muốn Chính phủ Thái Lan tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam, nhất là khu vực miền Trung Việt Nam, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhất trí về bảo đảm môi trường và an ninh nguồn nước sông Mekong, cũng như tiếp tục phối hợp và ủng hộ lập trường chung của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như đã nêu trong Tuyên bố 6 nguyên tắc về vấn đề Biển Đông, trong đó có việc đảm bảo hòa bình ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục