Thủ tướng Nhật Bản liệu có qua được bê bối ''hoa anh đào''?

Đây là cơn “đau đầu” mới nhất mà vị thủ tướng cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản phải đối mặt, người đã hai lần vượt qua những cơn bão liên quan tới người thân cận trong 2 năm qua.
Thủ tướng Nhật Bản liệu có qua được bê bối ''hoa anh đào''? ảnh 1Hoa anh đào tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP, tranh cãi về danh sách khách mời của Thủ tướng Shinzo Abe tại buổi tiệc ngắm hoa anh đào thường niên có thể là một trong những bê bối chính trị đáng chú ý nhất tại Nhật Bản thời gian gần đây.

Xung quanh đó còn hàng loạt thông tin khiến dư luận không thể không bàn tán, từ những vị khách bị cho là thuộc giới mafia, cáo buộc liên quan tới các tài liệu bị biến mất, hay thậm chí là những phát biểu của ông Abe, người bị cho là đang cố đổ tội cho một nhân viên tàn tật vì sai sót đã dẫn đến việc vô tình hủy đi các tài liệu nhạy cảm.

Đây là cơn “đau đầu” mới nhất mà vị thủ tướng cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản phải đối mặt, người đã hai lần vượt qua những cơn bão liên quan tới người thân cận trong 2 năm qua và thường xuyên phải đối mặt với sức ép từ phía các nhà lập pháp đối lập từ khi bê bối bùng phát hồi tháng 11.

Tiệc ngắm hoa anh đào là truyền thống có từ năm 1952, một buổi tiệc nhằm tôn vinh những người có thành tích và đóng góp đáng chú ý cho đất nước. Sự kiện này trở thành tâm điểm chỉ trích khi có thông tin về bản danh sách khách mời gồm khoảng 850 người ủng hộ từ khu vực cử tri của Thủ tướng Abe, và ước tính chi phí cho buổi tiệc lên tới 55 triệu yen Nhật (khoảng 504.000 USD) tiền lấy từ ngân sách công.

[Nhật Bản hủy tiệc ngắm hoa anh đào năm 2020 do bị chỉ trích tốn kém]

Phe đối lập ngay lập tức hành động và ngày càng có thêm nhiều cáo buộc được đưa ra. Phe đối lập yêu cầu văn phòng Thủ tướng công khai danh sách khách mời tới dự sự kiện năm nay, song cuối cùng thông tin mà họ nhận được là bản danh sách đã bị đưa vào máy hủy tài liệu ngay đúng ngày yêu cầu này được đưa ra.

Ông Abe khẳng định đó chỉ là một sự vô tình bởi các tài liệu đã bị “một nhân viên tàn tật làm việc bán thời gian đưa vào máy hủy trong giờ làm việc.” Phát biểu khiến giới lập pháp đối lập càng bất bình và nhiều người cho rằng nhà lãnh đạo Nhật Bản đang cố đổ lỗi cho một nhân viên vô danh.

Bê bối khiến tỷ lệ ủng hộ trong dư luận dành cho Chính phủ Abe giảm khoảng 6-7% xuống dưới mức 50%, song các chuyên gia cho rằng Thủ tướng Abe sẽ vượt qua cơn bão này.

Giáo sư chính trị Junichi Saito, làm việc tại Đại học Waseda, Tokyo, bình luận: “Cử tri không bị thuyết phục bởi những lời giải thích của Chính phủ Abe về bê bối. Tuy nhiên tỷ lệ ủng hộ khó có thể giảm quá 10 điểm phần trăm bởi chẳng còn gương mặt nào xứng đáng ở vị trí thủ tướng.”

Ông Abe là người được lợi từ những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ phe đối lập, nhất là bởi các cử tri vẫn còn hoài nghi về sự thể hiện của chính phủ trung tả do đảng Dân chủ dẫn dắt trong giai đoạn 2009-2012.

Phó Giám đốc công ty cố vấn Teneo Tobias Harris nói: “Tôi hoài nghi việc phe đối lập có thể giành được sự ủng hộ của dư luận ngay cả nếu họ có thể hủy hoại uy tín của ông Abe vì bê bối này. Kịch bản tồi tệ nhất đối với ông Abe sẽ là lực lượng ủng hộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền từ bỏ ông, điều vẫn được cho là khó xảy ra ở thời điểm hiện tại... Tuy nhiên, ngay cả khi điều đó xảy ra, tôi vẫn tin rằng Abe có thể duy trì quyền lực một thời gian dài.”

Nhiều cáo buộc vẫn tiếp tục xuất hiện, chẳng hạn như thông tin nói rằng ông Abe đã mời người ủng hộ tới buổi tiệc tối tại một khách sạn hạng sang và để nhóm hậu thuẫn chính trị có hành động vi phạm luật bầu cử.

Tuy nhiên, chính phủ phủ nhận mọi báo buộc và cũng khó có khả năng đơn vị chức năng tiến hành điều tra. Tất nhiên, ông Saito cho rằng các cáo buộc cũng đang hủy hoại lòng tin của dư luận đối với hệ thống chính trị.

Ông Saito nói: “Giới chức tìm cách chuyển hướng những chỉ trích” bằng cách che giấu các tài liệu, và điều này “gây tổn hại tới một hệ thống (vốn có trách nhiệm giải trình), một yếu tố rất quan trọng đối với dân chủ.”

Buổi tiệc ngắm hoa anh đào năm 2020 đã bị hủy bỏ, và Thủ tướng Abe cũng cam kết “xem xét lại” cách tổ chức sự kiện này.

Giáo sư chính trị Junichi Takase, làm việc tại Khoa Quốc tế Đại học Nagoya, cho rằng những hành động đó là đủ để ông Abe khắc phục thiệt hại về uy tín.

Ông Takase bình luận: “Phe đối lập chẳng còn gì ngoài việc tấn công ông Abe về những bê bối kiểu này. Ông Abe rất giỏi trong việc xử lý khủng hoảng. Ông ấy thừa nhận đã có những sai sót, xin lỗi và tỏ ý muốn tiến về phía trước, những động thái tích cực hơn hẳn việc dối trá đơn thuần”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục