Thủ tướng Nhật Bản N.Kan thị sát vùng thiên tai

Thủ tướng Kan cho biết chính phủ đang cân nhắc các hạng mục cơ sở hạ tầng ưu tiên trong chương trình tái thiết vùng thiên tai.
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ngày 10/4 đã đến thăm thành phố Ishinomaki thuộc tỉnh Miyagi, địa phương bị thiệt hại nặng nề trong thảm họa kép động đất gây sóng thần vừa qua.

Đây là chuyến thị sát thứ ba của Thủ tướng Kan tới khu vực Đông Bắc Nhật Bản trong vòng gần một tháng qua sau vụ thiên tai trên.

Phát biểu với báo giới tại Ishinomaki, nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định chính quyền và người dân cần phải nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Ông cho biết chính phủ sẽ xây dựng thêm 70.000 khu nhà tạm cho người dân và đang cân nhắc các hạng mục cơ sở hạ tầng ưu tiên trong chương trình tái thiết vùng thiên tai.

Liên quan tới việc Tokyo đã buộc phải "tháo" hàng nghìn tấn nước nhiễm xạ nồng độ thấp ra biển để giải phóng kho chứa ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 nhằm lấy chỗ chứa cho lượng nước có nồng độ phóng xạ cao hơn, Thủ tướng Kan khẳng định ông lấy làm tiếc về việc chậm trễ thông báo quyết định này.

Thủ tướng Kan cũng đã thăm trụ sở Lực lượng Phòng vệ (SDF) tại thành phố Sendai, nơi lực lượng này và quân đội Mỹ tại Nhật Bản thiết lập một văn phòng cứu trợ chung.

Ông đã biểu dương SDF, cảnh sát và lực lượng bảo vệ ven biển tham gia các hoạt động cứu trợ. Gần 12.000 binh sĩ SDF cùng 90 máy bay và 60 tầu thủy đã tham gia việc tìm kiếm những người bị mất tích ở các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima. 79 thi thể đã được tìm thấy trong mấy ngày qua.

Chuyến thị sát tỉnh Miyagi của Thủ tướng Kan diễn ra một ngày trước thời điểm tròn một tháng ngày Nhật Bản trải qua thảm họa động đất - sóng thần ngày 11/3 vừa qua. Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Nhật Bản đang nỗ lực giải quyết hậu quả thiên tai, trong đó có khắc phục sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima số 1.

Trong khi đó, một số người dân Nhật Bản đã tạm thời trở về nhà trong phạm vi phải sơ tán có bán kính 20 km cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 bị tàn phá nặng nề.

Trước vấn đề phóng xạ từ nhà máy Fukushima, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu người dân sống trong khu vực bán kính 20 km phải đi sơ tán, và những người ở khu vực 20-30 km phải ở trong nhà hoặc sơ tán để tránh bị nhiễm phóng xạ.

Trong một diễn biến khác, Chính phủ Nhật Bản ngày 9/4 đã ra thông báo yêu cầu người dân không trồng lúa ở những vùng đất bị nhiễm phóng xạ nằm gần khu vực của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Bộ Trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Michihiko Kano cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến với các chuyên viên, và chính phủ sẽ hỗ trợ cho các hộ gia đình gặp khó khăn về mặt tài chính.

Trước đó, ngày 8/4, Tổng Cục giám sát chất lượng và kiểm dịch hàng hóa Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm và thức ăn gia súc sản xuất tại 12 tỉnh, thành phố của Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tôkiô, vì cho rằng cần phải tăng cường biện pháp đề phòng lưu thông hàng hóa nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng yêu cầu hàng nhập khẩu từ Nhật Bản phải có giấy chứng nhận xuất xứ và đủ tiêu chuẩn kiểm tra phóng xạ của chính phủ Nhật Bản. Sau khi nhập khẩu, nếu hàng hóa không đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm tra của Cục kiểm dịch ở các địa phương sẽ được công bố và hủy bỏ.

Trong khi đó, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ áp dụng chính tiêu chuẩn tạm thời của Nhật Bản trong kiểm tra phóng xạ hàng thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản để tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa.

Từ cuối tháng Ba, EU đã tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, yêu cầu lương thực, thực phẩm và thức ăn gia súc, gia cầm nhập từ nước này phải có giấy chứng nhận xuất xứ, an toàn của cơ quan kiểm dịch Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục