Thủ tướng: Phải làm hạ tầng trước mới làm nhà cao tầng ở Giảng Võ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ không cấm làm nhà cao tầng ở khu Giảng Võ, Hà Nội nhưng trước hết phải làm hạ tầng kết nối để giải phóng khu này cho người dân.
Thủ tướng: Phải làm hạ tầng trước mới làm nhà cao tầng ở Giảng Võ ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác 2016 và Triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh:Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ không cấm làm nhà cao tầng ở khu Giảng Võ, Hà Nội nhưng trước hết phải làm hạ tầng kết nối để giải phóng khu này cho người dân.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra sáng 11/1 – một hội nghị tổng kết được tiến hành hết sức cởi mở, đổi mới và thẳng thắn - viện dẫn ví dụ về làm quy hoạch trong dự án xây dựng tại Giảng Võ, Thủ tướng cho rằng, nếu không cải thiện được tư duy về hạ tầng xung quanh khu Giảng Võ mà cứ làm 10 nhà 50 tầng ở đó thì thảm họa đang đến với Hà Nội.

“Chưa làm đã tắc đường, nếu làm nữa thì biết đi đường nào. Không phải cấm làm nhà cao tầng mà hạ tầng xung quanh khu vực này như thế nào để giải tỏa mặt bằng. Phải làm hạ tầng mới làm nhà cao tầng,” “không cấm làm nhà cao tầng ở đây, nhưng phải làm hạ tầng kết nối để giải phóng khu này cho người dân,” Thủ tướng nêu rõ.

Đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 01

Cũng tại hội nghị, đề cập đến nhiệm vụ của ngành kế hoạch và đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh, là cơ quan soạn thảo Nghị quyết 01 để trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ thảo luận, ban hành nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết này.

“Bộ không đổi tên nhưng phải đổi cách làm, đổi mới tư duy, vì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là kiến trúc sư trưởng của đất nước.”

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát để có bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Ngành kế hoạch và đầu tư phải tiên phong trong tái cơ cấu từ bên trong, từ ngành kế hoạch và đầu tư cả nước vì đây chính là cơ quan được giao soạn thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế.

Về cách làm kế hoạch, Thủ tướng lưu ý, nền kinh tế hiện nay chuyển đổi cơ chế thị trường, nhà làm quy hoạch phải tư duy trước một bước chứ không phải chỉ thay đổi theo. Việc lập kế hoạch phải dựa trên quy luật của nền kinh tế thị trường vì thị trường đã là một nhà lập kế hoạch rất tài ba.

“Chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là lập kế hoạch cho Nhà nước chứ không phải lập kế hoạch thay cho thị trường. Việc lập kế hoạch, quy hoạch phải trên tinh thần kiến tạo chứ không phải để tiện quản lý, kiểm soát, tạo cơ hội cho hiện tượng xin-cho,” Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phải là “bộ chia tiền” mà là nơi làm thể chế, chính sách để phát triển, là kiến trúc sư của nền kinh tế.

Cùng với đó, việc lập quy hoạch không thể chỉ khép kín trong nội bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà thay vào đó phải có sự tham gia góp ý, phản biện của giới chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng dân chủ. Lập quy hoạch, còn phải xóa bỏ lợi ích nhóm, loại bỏ việc đan xen bất hợp lý các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, các tập đoàn trực thuộc và doanh nghiệp thân hữu. Lập quy hoạch phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích ngắn hạn không được mâu thuẫn với chiến lược dài hạn, Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng hiện nay tổng vốn đầu tư Nhà nước chiếm hơn 37,6%, tức hơn 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chính vì vậy, một sự phân bổ sai, kém hiệu quả sẽ gây lãng phí nguồn lực rất lớn, thậm chí nhiều khi là tai họa cho nền kinh tế mà phải rất nhiều năm mới khắc phục được.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu, là cơ quan tham mưu lập kế hoạch phân bổ vốn đầu tư cho Chính phủ, vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần ý thức được trách nhiệm và vinh dự trong vấn đề này. Các nhà lập kế hoạch có vai trò quan trọng trong việc sử dụng từng đồng tiền, hạt gạo của dân.

Thủ tướng phân tích, mặc dù đã tăng cường phân cấp đầu tư mạnh cho địa phương nhưng tình trạng 63 nền kinh tế vẫn đang diễn ra. Vì vậy, cần có biện pháp xử lý, đó chính là tư duy chiến lược.

Cho rằng, một kiến trúc sư giỏi tức là dù trong điều kiện nguồn lực eo hẹp nhất vẫn có thể đưa ra một thiết kế tốt nhất. Việt Nam đang ở trong tình trạng này, vì vậy cách tính toán nào để có hiệu quả nhất là câu hỏi đặt ra cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một bài toán lớn của Bộ với tư cách là kiến trúc sư trưởng.

Thủ tướng cũng mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đi tiên phong trong kiến tạo phát triển với tư cách là thành viên chủ chốt của Chính phủ Việt Nam.

Tổng tham mưu trưởng của Chính phủ

Đánh giá cao tinh thần của hội nghị, nhất là khát vọng đổi mới, Thủ tướng nêu rõ, những thành tựu đạt được của cả nước năm 2016 có sự đóng góp trực tiếp của ngành Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là tổng tham mưu trưởng của Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội.

Điểm lại những thành tựu chính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm vừa qua, Thủ tướng cho rằng, Bộ đã tham mưu xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch với hàng chục Nghị định, văn bản, Luật, Nghị quyết; bước đầu đề cập đến việc đổi mới mô hình tăng trưởng với những mô hình đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt, kinh doanh casino... công tác nghiên cứu, thống kê có một số tiến bộ, tổng kết được nguồn lực đất nước.

"Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo Bộ đã có tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhà nước và nhân dân, doanh nghiệp, giải phóng sức sản xuất, rất đáng khuyến khích," Thủ tướng nói.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của Bộ và đề nghị có những biện pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.

Theo Thủ tướng, mặc dù đã bước sang năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhưng chiến lược phát triển chưa rõ ràng. Các chương trình tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu đề ra. Ngoài ra, ba nút thắt tăng trưởng, ngoại trừ cơ sở hạ tầng có một số cải thiện, còn thể chế và chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa có tiến triển đáng kể; năng suất lao động giảm sút, là lý do chính khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm từ mức trên dưới 8% chỉ còn trên dưới 6% hiện nay.

Thủ tướng thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chưa gần dân, sát dân; còn có tư duy cũ trong làm chính sách, vẫn còn tình trạng hách dịch, cửa quyền, quan liêu. Đặc biệt chính sách ban hành chưa thực sự huy động được nguồn lực xã hội tốt.

"Chúng ta chưa có chính sách mới để huy động nguồn lực, tôi không dám nói là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải huy động tiền, vàng trong dân, đấy là một số người hiểu lầm, phải làm sao giữ được giá trị đồng Việt Nam để người dân an tâm đầu tư, làm ăn và tin tưởng chứ không phải đưa tiền vào ngân hàng để huy động. Huy động nguồn lực xã hội không phải là huy động tiền, vàng và đôla trong nhân dân," Thủ tướng khẳng định.

Năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đi đầu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà nổi bật nhất là xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 mà sau gần 1 năm triển khai trong cả nước, chỉ số thuận lợi kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, xếp thứ 82/190 nền kinh tế theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Đáng chú ý, Bộ đã và đang tiếp tục tìm kiếm, khai thác tiềm năng “động” của nền kinh tế trong bối cảnh tiềm năng “tĩnh” cho phát triển đã dần “tới hạn” với việc khởi soạn một số mô hình phát triển kinh tế-xã hội lần đầu tiên để trình cơ quan có thẩm quyền như các Đề án xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

*Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng trao Huân chương Độc lập Hạng Nhì tặng nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục