Thủ tướng Pháp cảnh báo tiếp tục áp dụng quyền hạn khẩn cấp

Thủ tướng Borne cho biết nếu tình hình vẫn căng thẳng, sẽ tiếp tục áp quyền hạn khẩn cấp cho phép nhà chức trách ra lệnh những công nhân đang đình công tại các cơ sở dầu khí phải trở lại làm việc.
Thủ tướng Pháp cảnh báo tiếp tục áp dụng quyền hạn khẩn cấp ảnh 1Các phương tiện xếp hàng chờ đổ xăng tại trạm xăng ở Paris, Pháp, khi nguồn cung bị thiếu hụt do các nhân viên ngành lọc dầu tham gia đình công, ngày 14/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong nỗ lực giải quyết tình trạng khan hiếm nhiên liệu trên cả nước, ngày 16/10, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cảnh báo chính phủ sẽ một lần nữa sử dụng quyền hạn khẩn cấp để buộc những công nhân ngành dầu mỏ đang đình công phải trở lại làm việc.

Phát biểu với kênh truyền hình TF1, Thủ tướng Borne cho biết nếu tới ngày 17/10 tình hình vẫn căng thẳng, nhà chức trách sẽ một lần nữa sử dụng quyền hạn khẩn cấp như đã áp dụng vào tuần trước.

Quyền hạn khẩn cấp cho phép nhà chức trách ra lệnh những công nhân đang đình công tại các cơ sở dầu khí phải trở lại làm việc. Biện pháp này đã từng được áp dụng đối với các cuộc đình công ở các nhà máy lọc dầu của Pháp năm 2010.

[Đình công lan rộng dây chuyền ra nhiều ngành tại Pháp]

Trong bối cảnh khoảng 30% kho chứa nhiên liệu trên cả nước Pháp đang đối mặt với các vấn đề về nguồn cung, Thủ tướng Borne kêu gọi các công nhân của tập đoàn năng lượng TotalEnergeies đang đình công ngừng gây thêm khó khăn cho đất nước.

Thủ tướng Borne cũng kêu gọi đàm phán khẩn cấp giữa các nghiệp đoàn và nhà quản lý doanh nghiệp, nhấn mạnh bất đồng về tiền lương "không thể là cái cớ để phong tỏa đất nước."

Theo số liệu của Chính phủ Pháp, sau 3 tuần đình công của công nhân ngành dầu khí, đến nay 3 trong số 7 cơ sở lọc dầu trên cả nước và 5 kho chứa nhiên liệu lớn (trong khoảng 200 điểm) đã bị ảnh hưởng.

Chủ tịch nhóm vận động hành lang doanh nghiệp Medef, ông Geoffroy Roux de Bezieux cảnh báo thêm một tuần thiếu nhiên liệu nữa có thể tác động thực sự đến nền kinh tế.

Ông nhấn mạnh: “Đây không còn là cuộc đình công thông thường. Quyền đình công cũng có những giới hạn cụ thể.”

Trước đó, các cuộc đàm phán đầu tiên giữa tập đoàn TotalEnergeies và các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn diễn ra ngày 12/10 nhưng không giải tỏa được bế tắc.

Nghiệp đoàn FNME-CGT cho biết mục đích đình công là để đòi tăng 10% lương, trong đó 7% để bù đắp chi phí sinh hoạt do lạm phát cao và 3% để "chia sẻ lợi nhuận khổng lồ" có được do giá dầu tăng cao trong thời gian qua.

Ngày 14/6, TotalEnergies thông báo đã đạt một thỏa thuận về lương với 2 nghiệp đoàn lớn nhất đại diện cho công nhân tại các cơ sở lọc dầu, làm dấy lên hy vọng về khả năng chấm dứt tranh cãi. Tuy nhiên, nghiệp đoàn CGT không chấp nhận thỏa thuận trên và tiếp tục biểu tình.

Trong khi các tập đoàn năng lượng thu lợi nhuận khổng lồ nhờ giá nhiên liệu tăng cao, người lao động trong chính ngành này lại bị ảnh hưởng vì giá xăng tăng bên cạnh nhiều chi phí sinh hoạt khác cũng tăng.

Cuộc đình công của công nhân ngành năng lượng khiến nhiều công ty phải cắt giảm đi lại và hoạt động giao hàng, thậm chí các phương tiện dịch vụ khẩn cấp cũng trong tình trạng giảm hoạt động vì thiếu nhiên liệu.

Hiện nông dân Pháp đang chật vật tìm cách có đủ nhiên liệu kịp thời cho hoạt động trồng cấy vụ Đông, nhất là ở miền Bắc. Nhà chức trách cho biết đã tăng nhập khẩu dầu và mở một phần kho dự trữ chiến lược nhằm giảm tình trạng khan hiếm nhiên liệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục