"Phú Yên cần dành đất cho du lịch, không chia lô bán nền"

Thủ tướng: Phú Yên cần dành đất cho du lịch, không chia lô bán nền

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích với ưu thế lớn về du lịch mà nơi khác khó có thể có được, đây có thể sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Phú Yên trong tương lai.
Thủ tướng: Phú Yên cần dành đất cho du lịch, không chia lô bán nền ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, sáng 28/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Phú Yên - vùng đất cửa sông Ba, có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Bảy tháng đầu năm 2016, mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình hạn hán làm cho hơn 100.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, hơn 200ha đất lúa Hè Thu phải chuyển đổi, song nhờ sự hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong tỉnh, kinh tế-xã hội Phú Yên vẫn cơ bản ổn định và có mặt phát triển. Tốc độ tăng trưởng GRDP sáu tháng đầu năm đạt 7,9%; thu ngân sách đạt 3.198 tỷ đồng (48% dự toán tỉnh).

Phú Yên được ban tặng cho một hệ thống cảnh quan thiên nhiên khá đa dạng, đầy đủ với núi, cao nguyên, đồng bằng châu thổ, sông, hồ, đầm, vịnh, hải đảo... Một số danh thắng tiêu biểu là Gành Đá Dĩa, Đầm Ô Loan, núi Đá Bia, vịnh Xuân Đài, bãi Môn-mũi Điện; các di tích lịch sử cấp quốc gia như vũng Rô, núi Nhạn-sông Đà...Với lợi thế đó, du lịch là một trong những ngành ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong quá trình đi lên của Phú Yên. Mặc dầu có xuất phát điểm thấp, nhưng đến nay lĩnh vực này đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ.

Góp ý với địa phương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết do đặc điểm sở hữu nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, Phú Yên được Bộ đưa vào vùng quy hoạch phát triển trọng điểm về du lịch. Hàng năm, Bộ đều cấp kinh phí để Phú Yên sử dụng chủ yếu vào việc duy trì, tôn tạo các di tích.

5 năm qua, Trung ương đầu tư cho Phú Yên hàng chục tỷ đồng cùng với ngân sách của tỉnh với mục đích chủ yếu để làm đường dẫn vào các khu di tích, địa danh phục vụ du lịch. Nhờ sự quan tâm, đầu tư, kinh tế du lịch của Phú Yên tăng dần theo từng năm. Năm 2015 du lịch của tỉnh tăng 20%, với tổng các khoản thu trực tiếp từ du lịch đạt 850 tỷ đồng.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh mặc dù có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, nhưng hạ tầng giao thông chưa phát triển dẫn đến các điểm du lịch trên địa bàn Phú Yên còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Thủ tướng phê duyệt đưa Phú Yên vào chương trình dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch do ADB tài trợ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh mở rộng ngành kinh tế giàu thế mạnh này.

Đề xuất này của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ngay lập tức nhận được sự đồng thuận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc. Thủ tướng mong muốn Phú Yên nỗ lực phấn đấu, đưa du lịch tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đóng góp ít nhất 10% GDP của tỉnh.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Phú Yên đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu, đổi mới cách quản lý, điều hành và xây dựng hướng đi mới, hiệu quả hơn. Tuy vậy Thủ tướng cũng đánh giá đến thời điểm này, vị trí phát triển vẫn ở tốp sau của các địa phương trong cả nước nên đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên cần tiếp tục đoàn kết, cố gắng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.

Phú Yên có vị trí chiến lược, giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đang từng bước được nâng cấp hiệu quả thời gian qua. Ngoài ra, với ưu thế lớn về du lịch mà nơi khác khó có thể có được, đây có thể sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Phú Yên trong tương lai, Thủ tướng phân tích.

Chỉ ra những điểm tồn tại, cần khắc phục trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho rằng tốc độ tăng trưởng của Phú Yên còn thấp, thiếu bền vững, kinh tế công nghiệp còn hạn chế. Ngoài ra, kết quả xây dựng nông thôn mới của Phú Yên cũng ở dưới mức bình quân cả nước; đời sống nông dân, ngư dân còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, cải cách hành chính chưa tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội.

Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh của Phú Yên thấp và chậm được cải thiện, vẫn đứng ở vị trí 55/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều này cho thấy tỉnh chưa thực sự có chuyển biến trong nhận thức và hành động, Thủ tướng nhận xét.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, nhất là về kinh tế, Thủ tướng đề nghị Phú Yên chủ động hội nhập kinh tế thị trường hơn nữa; phát huy và đẩy mạnh phương châm thân thiện, nghĩa tình, trách nhiệm, tận tụy, kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành; tiếp tục hướng về người dân, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ.

Chỉ đạo nhiệm vụ giải pháp kinh tế-xã hội của Phú Yên, Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung rà soát, thực hiện tốt Nghị quyết 01 của Chính phủ; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ 2016. Thủ tướng lưu ý tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, tránh tình trạng “bổn cũ soạn lại” mà phải có kết quả thực tế.

Trong kêu gọi đầu tư, Thủ tướng dặn dò Phú Yên chú ý làm tốt khâu thẩm định đánh giá tác động môi trường, bảo vệ tốt môi trường sống của người dân, nhất là các dự án ven biển, gần khu dân cư, dự án phát triển công nghiệp. Tỉnh cũng cần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao và nhất là phải tìm tòi, đầu tư các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, đem lại hiệu quả kinh tế cao phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh.

Thủ tướng gợi ý Phú Yên đẩy mạnh chăn nuôi bò, nuôi tôm hùm, khai thác cá ngừ là các thế mạnh của tỉnh; đồng thời chú ý phát triển và bảo vệ rừng tự nhiên.

Dành sự quan tâm lớn đến đầu tư, phát triển du lịch ở Phú Yên, Thủ tướng lưu ý địa phương phải làm tốt việc xây dựng thương hiệu, không ngừng hoàn thiện thể chế. Song song với đó là đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phải dành những khu đất tốt, đẹp cho phát triển du lịch, không được chia lô bán nền; làm tốt công tác quy hoạch; trong đó kết nối hài hòa các yếu tố văn hóa, môi trường, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường liên kết vùng về du lịch theo phương châm đôi bên cùng có lợi; coi du lịch là hướng ra quan trọng của Phú Yên cùng với nông nghiệp chế biến, công nghệ cao, Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng cũng mong muốn Phú Yên tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp; tháo gỡ ngay những rào cản gây khó khăn, cản trở cho người dân và doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp; tạo ra môi trường đầu tư tốt để có thể nâng cao chỉ số cạnh tranh.

Trước đó, nhân dịp về công tác tại Phú Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát Công trình Kè chống xói lở ven biển khu vực xóm Rớ, Phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa. Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, vốn ngân sách Trung ương và một phần ngân sách tỉnh, được xây dựng theo hình thức kè áp mái kết hợp với hệ thống mỏ hàn, đỉnh kè kết hợp làm đường giao thông.

Trước đây, đây là nơi chịu ảnh hưởng của thời tiết, triều cường gây ngập lún, sạt lở nghiêm trọng, nhà cửa, cuộc sống người dân luôn bị nguy hiểm rình rập. Nhưng từ khi được san lấp và sửa chữa lại, bờ kè mang lại một bộ mặt mới cho đời sống người dân nơi đây.

Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã tới dâng hoa, dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm núi Nhạn, thành phố Tuy Hòa. Đây là một mô hình kiến trúc độc đáo, nhiều chức năng của Phú Yên, nằm bên con đường lên đỉnh núi Nhạn, được khánh thành và hoạt động từ năm 2007./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục