Thủ tướng: PVN không thành kiến với sai phạm, không 'dậu đổ bìm leo'

Dự Hội nghị Tổng kết công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Thủ tướng lưu ý tập đoàn không được thành kiến với các sai phạm, không "dậu đổ bìm leo."
Thủ tướng: PVN không thành kiến với sai phạm, không 'dậu đổ bìm leo' ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sĩ Thanh và Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn chủ trì hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 11/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Năm 2018 được đánh giá là một năm có nhiều thành tích nổi bật của PVN khi đã hoàn thành thắng lợi, về đích trước thời hạn các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt ở cả chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính.

Cụ thể, tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 5,0% kế hoạch năm; trong đó khai thác dầu thô đạt 13,97 triệu tấn (vượt 735 nghìn tấn, tương đương vượt 5,6% ).

PVN đã đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 390 triệu vào ngày 28/4/2018. Khai thác dầu thô ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm (11,31 triệu tấn) trước 21 ngày, cả năm 2018 đạt 12,0 triệu tấn (vượt 675.000 tấn, vượt 6,0%). Khai thác dầu thô ở nước ngoài đạt 1,98 triệu tấn (vượt 60.000 tấn). Khai thác khí đạt 10,01 tỷ m3 (vượt 410 triệu m3). PVN đạt mốc khai thác m3 khí thứ 140 tỷ vào ngày 27/9/2018.

Sản xuất đạm cả năm 2018 đạt 1,63 triệu tấn (vượt 88.000 tấn, vượt 5,7% kế hoạch năm). PVN đã đạt mốc sản xuất tấn đạm thứ 16 triệu; đạt mốc sản xuất 170 tỉ kWh điện. Trong lĩnh vực chế biến, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đạt mốc sản xuất tấn sản phẩm các loại thứ 55 triệu.

[PVN đặt mục tiêu vượt 31 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2019]

Bên cạnh đó, PVN cũng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch về tài chính. Cụ thể, tổng doanh thu toàn PVN ước đạt 626,8 nghìn tỉ đồng (vượt 96 nghìn tỉ đồng, tương đương vượt 18,1% kế hoạch năm 2018, tăng 25,9% so với năm 2017). Nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN ước đạt 121,3 nghìn tỷ đồng (vượt 47,5 nghìn tỷ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với năm 2017).

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vai trò “anh cả trong các doanh nghiệp Nhà nước” của PVN với những đóng góp quan trọng vào quốc kế dân sinh trong nhiều năm.

PVN không đơn thuần là nộp ngân sách Nhà nước mà còn có vai trò quan trọng trong công tác đối ngoại, đảm bảo quốc phòng an ninh, góp phần vào việc tự chủ nền kinh tế bằng việc cung cấp các sản phẩm của ngành, Thủ tướng nhìn nhận.

Thủ tướng đánh giá trong bối cảnh nhiều khó khăn trong và ngoài nước, PVN đã hoàn thành kế hoạch 2018 với nhiều chỉ tiêu ấn tượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Để có được thành quả này, PVN đã tăng cường tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động triển khai công việc, thực hiện đồng bộ các giải pháp cả về công tác đảng, chuyên môn và công đoàn.

Bên cạnh đó, PVN đã cơ bản hoàn thành việc cơ cấu sắp xếp lại các đơn vị chức năng; là doanh nghiệp đầu tiên hợp nhất các ban đảng, đoàn thể với các ban chuyên môn cùng chức năng; ban hành quy chế, quy tắc nội bộ và đặc biệt là cổ phần hóa chuyển đổi được 3 công ty thành viên.

Các dự án yếu kém tồn tại của ngành đã bước đầu có hiệu quả, cho thấy sự cố gắng, nỗ lực cao của Tập đoàn.

Thủ tướng: PVN không thành kiến với sai phạm, không 'dậu đổ bìm leo' ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng mong muốn tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động PVN tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, vượt qua thời kỳ khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao; duy trì dự phát triển của tập đoàn.

Biểu dương các thành quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, Thủ tướng nhấn mạnh đây sẽ là tiền đề để tạo nền tảng cho phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới.

Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo trong cuộc làm việc với Tập đoàn năm 2017, đó là trong khó khăn càng phải vững vàng bằng bản lĩnh để vượt qua thử thách.

Thủ tướng đánh giá cao Tập đoàn có những đóng góp quan trọng trong 30 năm đổi mới đất nước, có khối tài sản lớn trên 10 tỷ USD; xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện với trên 1,4 tỷ tấn quy dầu, đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6 đến 2,8 tỷ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững hoạt động khai thác, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước thời gian tới.

Ngành đã đảm bảo cung cấp khí để sản xuất 35% sản xuất điện, 75% thị phần phân bón, 64% thị phần khí hóa lỏng.

Tập đoàn đã xây dựng lực lượng nhân lực hùng hậu với số lượng 5.500 người có trình độ trên đại học, 25 nghìn người có trình độ đại học và cao đẳng, trên 25 nghìn công nhân lao động lành nghề, vươn lên làm chủ công nghệ, kỹ thuật, công tác quản trị, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển ngành hiện tại và tương lai.

“Số liệu vật chất và con người ở đây cũng như sản lượng tiềm năng để khẳng định vai trò của (Tập đoàn) dầu khí Việt Nam còn tiếp tục trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chứ không phải dầu khí đến đây là chấm dứt," Thủ tướng khẳng định và nêu rõ những đóng góp của Tập đoàn luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh.

Thủ tướng cũng lưu ý Tập đoàn không được thành kiến với các sai phạm, không "dậu đổ bìm leo." Khuyết điểm đã qua và cần phải quyết chí, quyết tâm vượt qua thách thức khó khăn, xứng đáng là đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Mong muốn ngành dầu khí sau những thăng trầm phải trở lại là động lực phát triển, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn phải có khát vọng tái lập vị trí, vai trò của ngành đối với sự phát triển đất nước, là tập đoàn hùng mạnh; phải xác định được tính chiến lược của ngành dầu khí trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng cũng chia sẻ các khó khăn của ngành hiện nay, trong đó công tác tìm kiếm, thăm dò bị chững lại, dầu khí khu vực gần bờ cơ bản đã khai thác hết, trong khi vươn ra vùng nước sâu xa bờ thì cần có số vốn lớn.

Dẫn lại tính toán của các chuyên gia, Thủ tướng lưu ý nếu không đưa vào khai thác các mỏ có trữ lượng lớn thì Tập đoàn sẽ bị giảm mỗi năm 2 triệu tấn dầu.

Thủ tướng lưu ý ngành dầu khí cũng là ngành thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, nên cần liên hệ để thực hiện các nhiệm vụ; đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh nền kinh tế vẫn cần duy trì tốc độ tăng trưởng cao và cần sự đóng góp tích cực của các tập đoàn, đặc biệt là PVN. Do đó, Tập đoàn phải tính toán lại các chỉ tiêu, cả dầu và khí, sản lượng đạm, các sản phẩm khác; tính toán lại doanh thu và nộp ngân sách..., bởi chỉ tiêu mà ngành đặt ra trong năm 2019 thấp hơn nhiều so với mức đạt được năm 2018.

Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu Tập đoàn quyết tâm thực hiện vượt mức các chỉ tiêu đã được giao năm 2019 trong kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Tập đoàn phải thực hiện tốt 5 mục tiêu đã được Thủ tướng giao về kế hoạch sản xuất kinh doanh thời gian tới; tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí để duy trì sản lượng, gia tăng trữ lượng dầu khí, phát triển mạnh công nghiệp khí và dịch vụ dầu khí.

Chia sẻ với các khó khăn của Tập đoàn, nhưng Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn phải đoàn kết, dám nghĩ dám làm, phát huy tinh thần “cái khó ló cái khôn,” “tự cứu mình," qua đó xây dựng Tập đoàn phát triển mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đã chỉ ra các nhiệm vụ cụ thể mà Tập đoàn cần thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục