Thủ tướng Thái xúc tiến kế hoạch sửa đổi hiến pháp

Thủ tướng Abhisit vừa lập một ủy ban đảm trách vấn đề sửa đổi Hiến pháp như là một phần trong nỗ lực thực hiện hòa giải dân tộc.
Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva vừa lập một ủy ban đảm trách vấn đề sửa đổi Hiến pháp như là một phần trong nỗ lực thực hiện hòa giải dân tộc ở xứ Chùa Vàng.

Chủ nhiệm Ủy ban Sombat Thamrongthanyawong nói ngày 15/6 rằng ủy ban gồm 19 thành viên này sẽ có cuộc họp đầu tiên vào ngày 17/6 và sẽ đánh giá việc sửa đổi Hiến pháp dựa vào sáu vấn đề mà ủy ban hòa giải tại Thái Lan đã nghiên cứu. Toàn bộ quá trình đánh giá dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 10 tới.

Trước đó, Thủ tướng Abhisit cho hay chính phủ đã khởi động kế hoạch hòa giải dân tộc qua việc tổ chức lễ lớn mừng công tại Tòa nhà chính phủ tuần trước, với sự tham dự của giới chức sắc của năm tôn giáo, trong đó có đạo Phật, trong một nghi lễ nhằm mang lại may mắn và hòa bình cho đất nước.

Theo ông Abhisit, Chính phủ Thái Lan muốn tập trung vào tiến trình hòa giải để tạo ra sự thống nhất, thu hẹp khoảng cách (chênh lệch) và bất bình đẳng xã hội.

Trong khi đó, tại phiên họp hàng tuần ngày 15/6, Nội các Thái Lan đã nhất trí bổ nhiệm ông Marut Massayavanich làm phó phát ngôn viên chính phủ, thay thế ông Phumin Leethiraprasert thuộc liên minh Puea Pandin Party (PPD). Cũng tại cuộc họp này, Nội các Thái Lan thông qua kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử bổ sung đối với Đơn vị Bầu cử số sáu ở Bangkok theo đề xuất của Ủy ban Bầu cử nước này (EC).

Trong diễn biến khác cùng ngày, Chủ tịch Hội Luật gia Thái Lan Sak Korsaengruang đề xuất với nhà chức trách thống nhất toàn bộ năm cáo trạng chống lại cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra nhằm tăng thêm khả năng dẫn độ ông này về Thái Lan. Cựu chính khách này bị cáo buộc liên quan tới năm vụ việc, gồm một dự án xổ số đặc biệt, các khoản cho vay gây tranh cãi của Ngân hàng Xuất nhập khẩu (EXIM Bank) của Thái Lan, bê bối địa ốc, trốn thuế và khủng bố.

Phó Thủ tướng Thái Lan phụ trách các vấn đề an ninh Suthep Thaugsuban ngày 15/6 cho biết chính phủ muốn mua lại công ty dịch vụ vệ tinh Thaicom từ Công ty cổ phần Temasek của Singapore vì lý do an ninh quốc gia.

Mạng tin Bưu điện Bangkok dẫn lời ông Suthep cho biết chính phủ không cố gắng lùng bắt ai đó và Thaicom cũng không còn thuộc về cựu Thủ tướng Thaksin, vì công ty này đã được bán cho Temasek. Theo ông, vấn đề an ninh truyền thông đã nổi lên khi Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) sử dụng vệ tinh để phát đi thông tin sai lệch thông qua kênh truyền hình Nhân dân (P-TV) của phe "áo đỏ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục