Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali tuyên bố từ chức

Ông Hamadi Jebali tuyên bố từ chức sau khi không thành lập được một chính phủ kỹ trị nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị ở nước này.
Ngày 19/2, Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali tuyên bố từ chức sau khi không thành lập được một chính phủ kỹ trị nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị ở nước này.

Ông Jebali thông báo quyết định trên sau cuộc gặp với Tổng thống Moncef Marzouki, cho biết ông từ chức là để thực hiện lời hứa với nhân dân.

Phát biểu trên truyền hình, ông Jebali tuyên bố: "Tôi đã cam kết rằng trong trường hợp đề xuất của tôi thất bại, tôi sẽ từ chức và đây là việc tôi phải thực hiện."

Ông cũng cho biết sẽ tiếp tục lãnh đạo chính phủ hiện nay cho tới khi đạt được đồng thuận để thành lập một chính phủ mới.

Trước đó, hôm 18/2, ông Jebali đã thừa nhận ông không thể thành lập một chính phủ gồm các nhà kỹ trị sau khi các cuộc thương lượng giữa các đảng phái không đạt đồng thuận về vấn đề này.

[Kế hoạch lập chính phủ kỹ trị ở Tunisia bị thất bại]

Hồi đầu tháng, đảng Ennahda của ông Jebali đã bác bỏ kế hoạch của ông về việc thành lập nội các độc lập gồm các nhà kỹ trị mà ông cho là là cách tốt nhất giúp đất nước đi đúng hướng.

Theo ông Jebali, chính phủ mới cần phải ưu tiên việc ấn định ngày tổ chức tổng tuyển cử và khôi phục lòng tin của người dân.

Theo kế hoạch, Tổng thống Marzouki sẽ gặp lãnh đạo đảng Ennahda Rached Ghannouchi để đề nghị ông này chọn một Thủ tướng. Trước đó, ông Ghannouchi đã bày tỏ mong muốn đương kim Thủ tướng Jebali tiếp tục lãnh đạo một liên minh mới.

Trong tuyên bố tối 19/2, ông Jebali cho biết ông sẽ không lãnh đạo một chính phủ khác nếu không có thời gian ấn định cụ thể cho các cuộc bầu cử mới và một hiến pháp mới.

Tunisia đang trong tình trạng khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất kể từ sau làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Ben Ali hồi năm 2011.

Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ vụ thủ lĩnh Đảng Những người yêu nước dân chủ (DPP) đối lập, ông Chokri Belaid, bị bắn chết ngay trước cửa nhà riêng vào sáng 6/2, dẫn tới làn sóng biểu tình rầm rộ ở Tunisia.

Không có cá nhân hay tổ chức nào nhận đã tiến hành vụ ám sát này, song những người thế tục cáo buộc chính phủ của ông Jebali không giải quyết dứt điểm với các phần tử tôn giáo cực đoan đang đe dọa sự ổn định quốc gia.

Cuộc khủng hoảng này đang làm gia tăng lạm phát và phá hỏng các nỗ lực phục hồi nền kinh tế quốc gia vốn bị ảnh hưởng nặng nề vì tình trạng rối loạn sau khi ông Ben Ali bị lật đổ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục