Ưu tiên tín dụng để ngư dân đóng tàu hiện đại

Thủ tướng: Ưu tiên tín dụng để ngư dân đóng tàu hiện đại

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ngành ngân hàng tập trung tín dụng cho ngư dân đóng mới tàu bằng vỏ thép, hiện đại hơn, công suất cao hơn.
Thủ tướng: Ưu tiên tín dụng để ngư dân đóng tàu hiện đại ảnh 1Tàu đánh cá lưới vây vỏ thép Hoàng Anh 01 được bàn giao cho ngư dân xã Bình Chánh, Bình Sơn, Quảng Ngãi. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ngành ngân hàng tập trung tín dụng cho ngư dân đóng mới tàu bằng vỏ thép, hiện đại hơn, công suất cao hơn.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản, diễn ra ngày 15/4 ở Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản; tập trung rà soát các cơ chế, chính sách, tổng kết thực tiễn, phân tích, làm rõ và đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp.

Trước hết là về tín dụng, Thủ tướng nhấn mạnh đây là chính sách hết sức quan trọng, theo đó phải quan tâm tập trung tín dụng cho những người đang có tàu, những tàu đã cũ để đóng mới tàu bằng vỏ thép, hiện đại hơn, công suất cao hơn; tín dụng cho ngư dân nâng cấp, cải hoán các tàu đang còn tốt; hỗ trợ tín dụng cho người đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.

“Trong cho vay, ngân hàng không được để ngư dân ra khơi phải đi vay nặng lãi,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng quan tâm rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp liên quan đến bảo hiểm; xuất khẩu; đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá như các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu; hạ tầng các cảng cá; hạ tầng thông tin liên lạc nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân.

Trong quản lý Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần phải từng bước hình thành quan hệ hợp tác sản xuất mới, hình thành các hợp tác xã, các liên kết sản xuất, các nghiệp đoàn nghề cá... qua đó tạo chuỗi giá trị, đảm bảo hiệu quả, an ninh, an toàn cao hơn trong hoạt động nghề cá.

“Chính phủ sẽ hết sức cố gắng trong thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương cần đặc biệt chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo trong ngư dân, bởi hiện nay các hộ nghèo là ngư dân còn quá lớn. Các bộ, ngành chức năng, các địa phương hết sức quan tâm, tăng cường hơn nữa lực lượng nòng cốt trên biển, như Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư... để hỗ trợ ngư dân trong khai thác, đánh bắt thủy hải sản, trong thiên tai cũng như các sự cố khác trên biển, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, biển đảo quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu phải quán triệt sâu sắc Chiến lược Biển của Đảng, Nhà nước bởi đây là tiềm năng, lợi thế lớn của đất nước; là không gian sinh tồn để chúng ta công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước, cải thiện đời sống nhân dân; là nơi để giữ vững chủ quyền quốc gia; để hội nhập quốc tế, gìn giữ, bảo đảm hòa bình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định về phát triển thủy sản trên tinh thần hỗ trợ tối đa, tạo thuận lợi nhất trong điều kiện có thể của đất nước để phát triển triển nhanh và bền vững ngành thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, gắn liền với bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo quốc gia.

Cũng tại hội nghị, đánh giá về kết quả của ngành thủy sản trong 10 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại 10 năm qua, ngành thủy sản đã có bước phát triển nhanh, ổn định; đánh bắt, nuôi trồng, xuất khẩu... thủy sản tăng mạnh.

Thủy sản Việt Nam đang giành được vị thế cao trong cộng đồng nghề cá trên thế giới, đứng đầu về sản lượng cá tra, đứng thứ 3 thế giới về nuôi trồng thủy sản (trong đó đứng đầu thế giới về sản xuất tôm sú), thứ 4 về giá trị xuất khẩu thủy sản.

Những kết quả đạt được của ngành thủy sản đã trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân; giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động; bảo vệ chủ quyển, biển đảo quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế mà ngành thủy sản cần tập trung khắc phục, đó là năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng, tính hiệu quả của ngành còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng; phương tiện đánh cá chủ yếu là tàu cũ, tiêu tốn nhiều nhiêu liệu; còn sự cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu; sự rủi ro của người đi biển còn lớn, thu nhập của ngư dân thấp; vốn đầu tư phát triển nghề cá của doanh nghiệp, của ngư dân còn ít;

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nghề cá chưa đáp ứng được yêu cầu, thất thoát sản lượng trong đánh bắt còn cao; chưa hình thành được chuỗi giá trị trong ngành. Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước đối với ngành tuy có nhiều tiến bộ, song so với yêu cầu cần phải làm tốt hơn, một số cơ chế, chính sách chưa đáp ứng, chưa sát với thực tế, chiến lược quy hoạch nghề cá còn yếu.

Tại hội nghị, các đại biểu đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa; hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển cùng với việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành mới cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng, hỗ trợ bảo hiểm, đào tạo nguồn nhân lực nghề cá.

Các đại biểu cũng đã nêu nhiều giải pháp phát triển ngành thủy sản bền vững trong thời gian tới.

Theo đó, đối với khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ giảm dần sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ, giảm tổn thất sau thu hoạch và gắn với tổ chức lại sản xuất trên biển, đào tạo nghề cho ngư dân. Việc hiện đại hóa tàu cá sẽ tập trung ưu tiên cải hoán số tàu cá hiện có; đóng mới khoảng 3.000 tàu vỏ thép. Xây dựng hạ tầng tại 6 trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm và vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Đối với nuôi trồng thủy sản, lựa chọn các đối tượng nuôi có ưu thế cạnh tranh cao, có thị trường, tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi và nhuyễn thể tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (trước mắt ưu tiên hình thành vùng nuôi tôm tại bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên).

Tổ chức lại sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi, ngư trường đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi; tập trung nghiên cứu, chọn tạo để sản xuất trong nước đủ giống, chất lượng cao đối với tôm nước lợ và cá tra kể từ năm 2015.

Về chế biến xuất khẩu thủy sản, chuyển mạnh cơ cấu từ chế biến thô sang các sản phẩm giá trị gia tăng cao và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến phù hợp văn hóa, thị hiếu từng thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh; tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững thị phần các thị trường xuất khẩu trọng điểm truyền thống, mở rộng các thị trường mới; liên kết trong phân phối sản phẩm đối với một số tập đoàn, hệ thống bán lẻ lớn ở thị trường ngoài nước.

Tham dự Hội nghị về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng, lãnh đạo các địa phương có biển và nghề cá trong cả nước tham dự./.

Tổng sản lượng thủy sản Việt Nam đã đạt xấp xỉ 6 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm tỷ trọng 54,2%); tổng số lao động nghề cá khoảng trên 4,5 triệu người.

Tuy nhiên, ngành còn nhiều hạn chế, trong đó nổi lên trước hết là chất lượng tàu cá, (có tới 99% tàu cá đóng từ gỗ); 90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ/thiết bị giao thông đường bộ; trang thiết bị bảo quản thô sơ nên tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao (30%); với gần 1 triệu lao động đánh cá nhưng chủ yếu là lao động phổ thông và hầu hết chưa được đào tạo nghề.Hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho nuôi trồng thủy sản. tỷ trọng sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao đạt thấp, mới chiếm khoảng 20-25%.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục