Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Somalia từ chức

Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Somalia đã đệ đơn từ chức lên tổng thống "nhằm cứu chính phủ được Liên hợp quốc bảo trợ khỏi sụp đổ."
Thủ tướng Somalia Abdirashid Sharma'arke và Chủ tịch Quốc hội nước này Mohammed Nur Madobe ngày 17/5 cho biết, họ đã đệ đơn từ chức lên tổng thống "nhằm cứu chính phủ được Liên hợp quốc bảo trợ khỏi sụp đổ."

Thông báo trên được đưa ra sau khi các chính trị gia nước này buộc tội lẫn nhau về trách nhiệm đối với sự hỗn loạn đang tiếp diễn tại Somalia. Phiên họp ngày 16/5 của Quốc hội Somalia đã rơi vào tình trạng hỗn loạn khi các nghị sĩ chỉ trích lẫn nhau và Chủ tịch Madobe không điều khiển được phiên họp.

Sau đó, khoảng 320 nghị sĩ đã đạt được thỏa thuận phế truất Chủ tịch Quốc hội Madobe, chỉ vài giờ sau khi ông tuyên bố chính phủ của Thủ tướng Sharma'arke đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra trong một phiên họp kín của quốc hội cùng ngày.

Quốc hội Somalia sau đó đã bầu nghị sĩ Haji Shukri Sheikh Ahmed làm Chủ tịch Quốc hội lâm thời. Nhiều nghị sĩ Somalia cho rằng nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội của ông Madobe đã kết thúc từ tháng 8/2009 và nhiệm kỳ của nội các cũng đã hết trước khi được kéo dài nhờ tiến trình hòa bình của nước này.

Trong một bài phát biểu tại Dinh Tổng thống ngày 17/5, Tổng thống Somalia Sharif Ahmed tuyên bố sẽ sớm chỉ định thủ tướng mới, và cho biết cựu Chủ tịch Quốc hội Madobe sẽ được chỉ định tham gia nội các trong tương lai.

Người đứng đầu phái bộ của Liên hợp quốc tại Somalia cùng ngày tuyên bố hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Sharif Ahmed trong việc thành lập nội các mới và hiệu quả hơn.

Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Somalia, ông Ahmedou Ould-Abdallah cho rằng Tổng thống Sharif đã hành động thích hợp và dũng cảm để giải quyết tình trạng khó khăn, khẳng định ông Sharif sẽ nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, và mong muốn Tổng thống Sharif sẽ tham dự Hội nghị quốc tế về Somalia tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần này.

Sau khi ông Sharif nắm quyền tổng thống tháng 1/2007, thỏa thuận hòa bình được ký kết năm 2008 tại nước láng giềng Djibouti giữa Chính phủ liên bang quá độ (TFG) với Liên minh tái giải phóng Somalia (ARS) đã mở đường cho việc chấm dứt xung đột giữa các nhóm vũ trang ở đất nước này.

Tuy nhiên, tình trạng giao tranh giữa các phe nhóm vẫn diễn ra dai dẳng. Ngay cả thủ đô Mogadishu cũng trở thành chiến trường giao tranh thường nhật giữa các lực lượng chính phủ và tay súng địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục