Thủ tướng yêu cầu đảm bảo đủ hàng hóa Tết

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Chỉ thị ngày 9/12 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Chỉ thị ngày 9/12 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai quyết liệt các chủ trương, giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, chống đầu cơ tăng giá quá mức, tránh đột biến giá cả cục bộ đối với những mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là tiết kiệm chi tiêu công.

Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh vừa bị bão, lụt tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo và hỗ trợ nhân dân khắc phục nhanh hậu quả bão lũ, làm sạch vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh, bảo đảm đủ lương thực, thuốc chữa bệnh, giống cây trồng, vật nuôi, nguồn nguyên liệu, vật tư nông nghiệp... nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân, tranh thủ sản xuất vụ Đông và vụ Đông Xuân.

Bộ Công Thương chỉ đạo nhóm các giải pháp về đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, phát triển thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường trong nước để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa; trước hết là việc mua 500.000 đến 6000.000 tấn quy gạo (khoảng 1 triệu tấn lúa hàng hóa) theo thời hạn Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; thúc đẩy ký các hợp đồng bán gạo lớn.

Thủ tướng chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị sản xuất trực thuộc chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, có kế hoạch sản xuất, dự trữ, kinh doanh đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường trong, trước và sau dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Các đơn vị theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, rau quả... chủ động xử lý các biến động bất lợi và bảo đảm nguồn cung; kiểm soát việc niêm yết và bán hàng theo giá niêm yết ở các chợ đầu mối, trung tâm thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục