“Cảm xúc tháng Mười”

Thu về: Vang ngân giai điệu “Cảm xúc tháng Mười”

Phố phường tấp nập, đâu đó lại vang ngân giai điệu lúc hùng tráng, mạnh mẽ, khi da diết, khắc khoải của ca khúc “Cảm xúc tháng Mười.”
Những ngày tháng Mười, trong tiết trời se lạnh của mùa thu, Hà Nội rộn rã cờ hoa, tưng bừng kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô. Phố phường tấp nập những dòng người ngược xuôi, đâu đó lại vang ngân giai điệu lúc hùng tráng, mạnh mẽ, khi da diết, khắc khoải của ca khúc “Cảm xúc tháng Mười” của cố nhạc sỹ Nguyễn Thành (phổ thơ Tạ Hữu Yên).

Sau 20 năm...

Trong không khí rộn ràng hướng về mùa thu lịch sử, Đại tá-nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên hồi tưởng lại: Trong đoàn quân trở về tiếp quả Thủ đô giữa màu nắng thu vàng của tháng Mười lịch sử có người lính trẻ, chàng trai Nguyễn Thành-người con của Hà Nội năm xưa đã theo Trung đoàn Thủ đô “rút qua gầm cầu,” để lại sau lưng thành phố thân thương, hẹn ngày trở về.

Thế nhưng, phải đến 20 năm sau ngày giải phóng Thủ đô, "Cảm xúc tháng Mười" trong ký ức của người nhạc sỹ mới tuôn tràn trên khuôn nhạc khi gặp ý thơ của nhà thơ Tạ Hữu Yên.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên bồi hồi chia sẻ: 20 năm sau ngày tiếp quản Thủ đô, niềm ấp ủ viết về Hà Nội mới trở thành hiện thực. Đó là vào năm 1974, khi Hội Nhạc sỹ Việt Nam chức cuộc thi sáng tác ca khúc về chủ đề Hà Nội, nhân kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Thủ đô.

“Khi ấy, không khí chuẩn bị mừng 20 năm vô cùng nhộn nhịp. Anh Thành gợi ý: Anh Yên sáng tác bài thơ mừng 20 năm giải phóng thủ đô để tôi phổ nhạc, nếu nhạc phẩm đạt yêu cầu, ta sẽ gửi dự thi,” nhà thơ Tạ Hữu Yên kể lại.

Triền miên trong dòng ký ức, nhà thơ nói trong sự xúc động rưng rưng: “Những ai có mặt trong đoàn quân về tiếp quản thủ đô năm xưa như chúng tôi, trong lòng nao nao một thứ cảm xúc, náo nức một niềm vui, sự xúc động rất khó tả.”

Lang thang khắp các phố phường Hà Nội, trở lại cửa ô Cầu Giấy, cửa ô mà 20 năm trước đó, Trung đoàn Thủ đô đã theo lối ấy trở về tiếp quả quê hương, ký ức một thời bỗng ùa về: “Năm cửa ô xòe năm cánh rộng/ Đoàn quân về nhấp nhô như sóng…”

Sau 20 năm, “Cảm xúc tháng Mười” sống dậy, hồi ức và hiện thực đan xen, tràn đầy. Trong một đêm, tại một căn gác nhỏ ở tập thể quân nhân thành Hà Nội, Tạ Hữu Yên đã làm xong trọn vẹn bài thơ. “Tôi viết mà hầu như không phải sửa chữa gì nhiều bởi đó là những ký ức thật, là tình cảm thật ấp ủ bấy lâu nay. Nếu bảo giải thích tại sao khi đó lại viết vậy thì thật khó để nói được rành mạch bởi có những cung bậc cảm xúc rất khó định danh cụ thể,” nhà thơ bồi hồi xúc động nói.

Theo lời kể của tác giả, khi bài thơ hoàn thành, nhạc sỹ Nguyễn Thành đã “thủ” ngay một bản, đem vào góc phòng nghiền ngẫm và gõ nhịp pi-a-nô. Ông lấy nguyên văn bài thơ làm ca từ của nhạc phẩm “Cảm xúc tháng Mười” với nhịp 2/4 và 6/8 luân chuyển nhau.

“Tháng mười ấy là khúc ca xanh”

Nhiều thập kỷ đã qua đi nhưng không khí ngày giải phóng Thủ đô vẫn vẹn nguyên trong ký ức người Đại tá già. Nụ cười thanh thản thường trực trên gương mặt hiền hậu, ông hồi tưởng lại ngày trở về năm xưa.

Trên lối về qua cửa ô đầu phố, cờ hoa rực rõ, trống vang rộn rã khắp nẻo, bao bà mẹ đứng ở hàng đầu rưng rưng nước mắt mừng những người con chiến thắng.

Hình ảnh của bầu trời thu Hà Nội ngày đón đoàn quân chiến thắng trở về, ấn tượng về nụ cười rạng rỡ, ánh mắt hút hồn, nét duyên dáng đài các của thiếu nữ Hà thành, trào dâng và chuyển nhịp; để những người con thế hệ sau khắc ghi giờ phút lịch sử: “Không thể nói trời không xanh hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân tiến về mùa thu ấy/Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường...”

Trở về trong khúc ca khải hoàn, ký ức đêm rút qua gầm cầu, vượt sông Hồng vào chiến khu kháng chiến, để lại thành phố với tiếng súng truy kích của giặc ùa về. Nghẹn ngào! Sâu lắng! “Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu/ Anh đã hẹn ngày mai trở lại/ Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi/ Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca…”

Quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, niềm vui chiến thắng và những niềm đau chôn giấu về sự mất mát, hy sinh cùng đồng hiện, lắng đọng trong “Cảm xúc tháng Mười.”

Tác phẩm đã được giải nhất Hội thi năm đó. Nhạc sỹ Nguyễn Thành đã gắn bó trọn đời với Hà Nội và trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội. Ông cũng đã để lại cho Hà Nội một “Cảm xúc tháng Mười” sâu lắng âm điệu mùa thu lịch sử.

Hơn 30 năm đã trôi qua, "Cảm xúc tháng Mười" vẫn vẹn nguyên giá trị, gợi nhớ về một thời khói lửa hào hùng của Hà Nội, qua những ca từ và giai điệu thiết tha, hùng tráng, vang xa..../.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục