Thú vị quy trình tinh chế dầu hoa hồng nổi tiếng của Bulgaria

Những bông hồng được hái khi vẫn còn sương đọng trên hoa, khi đó là lúc hoa nở lớn nhất. Một khi mặt trời mọc lên cao trên những bụi hoa màu hồng, những giọt dầu quý giá sẽ rút về phía rễ cây.
Thú vị quy trình tinh chế dầu hoa hồng nổi tiếng của Bulgaria ảnh 1Hoa hồng Bulgaria. (Nguồn: naharnet.com)

Mới chỉ 6 giờ sáng, nhưng những người thu hoạch hoa ở Rose Valley đã bắt đầu làm việc. Nơi đây đã sản sinh ra ngành công nghiệp dầu hoa hồng tồn tại hàng thế kỷ qua của Bulgaria, là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp nước hoa toàn cầu, và giờ đây là dưới sự bảo trợ của EU.

“Chúng tôi đi hái từ rất sớm, bởi những bông hồng cần được hái khi vẫn còn sương đọng trên hoa. Khi đó là lúc hoa nở lớn nhất,” Totka Hristova, một trong số rất nhiều người lao động ở chân núi Balkan chia sẻ trong không khí ẩm ướt và mát mẻ của buổi sáng sớm.

Ngày làm việc của bà kết thúc chỉ vài giờ sau đó. Một khi mặt trời mọc lên cao trên hàng nối hàng những bụi hoa màu hồng, nhiệt độ sẽ trở nên quá nóng, khi đó những giọt dầu quý giá sẽ rút về phía rễ cây.

“Chúng tôi chỉ chọn những bông hoa hồng nở hết, cho nhiều dầu nhất, còn những bông khác chúng tôi để tới hôm sau,” bà Hristova cho biết. Đôi tay đeo găng của bà thoăn thoắt hái hoa và cho vào một chiếc túi nhựa quanh hông.

Thực chất, tất cả các loại nước hoa đắt tiền trên thế giới đều chứa dầu hoa hồng. Bulgaria và láng giềng là Thổ Nhĩ Kỳ là hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Khí hậu ôn đới cùng đất phù sa ở khu vực này mang lại điều kiện lý tưởng để trồng loài hoa hồng tốt nhất - loài hồng Damascus - vốn là giống hoa đến từ Ba Tư.

Trong một quá trình sản xuất tinh tế, khó nhọc và không thay đổi kể từ thời đế chế Ottoman vào thế kỷ 17, những cánh hoa hồng được đem đi chưng cất ngay lập tức. Cánh hoa được cho vào nước và đun sôi trong những thùng kim loại lớn. Hơi bốc lên sau đó được cô đọng và chưng cất lại để tách dầu.

Ngoài ra, quá trình này còn cần một lượng rất lớn cánh hoa. Một công nhân lành nghề - tìm người làm được công việc này không phải là điều dễ dàng - có thể thu được khoảng từ 25 đến 30kg cánh hoa mỗi sáng. Tuy nhiên, phải mất tới 3.500kg cánh hoa mới sản xuất được 1kg dầu.

Năng suất hàng năm của Bulgaria là khoảng 1.500kg dầu hoa hồng, như vậy cần có 5,25 tấn cánh hoa, được trồng trên diện tích khoảng 3.800ha, hầu hết nằm trong thung lũng xung quanh thị trấn Kazanlak nằm ở trung tâm Bulgaria.

Một khi thứ “vàng lỏng” có màu vàng hơi ngả xanh này được đóng vào các lọ để sẵn sàng đem bán, nó có giá rất cao: từ khoảng 6.000 đến 6.500 euro, và còn đắt hơn nếu mua hẳn 1 kg.

Những người mua - trong đó có người Pháp, Mỹ, và ngày càng nhiều người châu Á - chủ yếu là các công ty sản xuất sản phẩm trung gian để sau đó bán cho các tên tuổi lớn như Christian Dior, Estee Lauder và Chanel.

“Dầu hoa hồng có mặt trong tất cả các loại nước hoa đắt tiền,” Juliana Ognyanova, đến từ Bulattars, một nhà xuất khẩu dầu hoa hồng lớn cho biết.

Thật ngạc nhiên, dầu hoa hồng - một tập hợp của 370 thành phần khác nhau và không hề có chất thay thế tổng hợp nào - lại không được sử dụng vì mùi hương của nó. Thay vào đó, dầu hoa hồng được dùng để kết hợp một số lượng lớn những thành phần tự nhiên và nhân tạo có trong nước hoa, và để tăng thời gian hương thơm lưu giữ trên da, chuyên gia Nikolay Nenov cho biết.

Vì có giá thành cao nên dầu hoa hồng thường có hàng giả. Tuy nhiên, giờ đây các nhà sản xuất Bulgaria đã tìm ra cách để đảm bảo tính xác thực của dầu hoa hồng.

Tháng 10 năm ngoái, sau quá trình kéo dài 9 năm, các nhà sản xuất đã thành công trong việc đưa cái tên “Dầu hoa hồng Bulgaria” vào danh sách các sản phẩm của EU được bảo vệ về chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ.

EU cũng đã từng cấp những chứng nhận tương tự cho các sản phẩm như pho mát Roquefort của Pháp, hay bánh nhân thịt Melton Mowbray của Anh.

“Đây là một thành công lớn của toàn bộ ngành công nghiệp,” Filip Lissicharov, chủ nhà máy chưng cất ở Bulgaria và là một trong số những người chuẩn bị cho hồ sơ đăng ký cho biết.

Để được cấp giấy chứng nhận, các nhà sản xuất phải chứng minh rằng hoa của họ được thu thập từ một vùng trồng hoa truyền thống ở Bulgaria, quy trình chưng cất được họ theo dõi sát sao, và sản phẩm của họ có thành phần hóa học cơ bản cũng như tính chất vật lý đặc trưng chỉ có ở dầu hoa hồng Bulgaria.

Các nhà chưng cất đang hy vọng sẽ có được một năm kinh doanh thành công, dù có thể không được bằng vụ thu hoạch năm ngoái - vụ thu hoạch tốt nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

“Cánh hoa có chất lượng rất tốt, và chúng tôi hy vọng chất lượng dầu hoa hồng năm nay cũng sẽ cao như năm ngoái,” Lissicharov chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục