Thư viện Nguyễn Văn Hưởng lưu trữ hơn 10.000 tư liệu về chiến tranh

Khối tư liệu, hiện vật được lưu trữ, giới thiệu tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng góp phần giúp công chúng có cái nhìn bình tĩnh, rõ rệt và đa chiều hơn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Ông Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nghiên cứu tài liệu tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nghiên cứu tài liệu tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thư viện tư nhân mang tên Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng chính thức ra mắt độc giả vào sáng 14/10 tại tòa nhà Almaz Market - khu đô thị Vinhomes Riverside (Hà Nội).

Với diện tích 500m2, thư viện là nơi lưu trữ hơn 10.000 bản sách, ấn phẩm chuyên san, tạp chí nghiên cứu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam của các nhà sử học, chính trị gia, tướng lĩnh quân đội Mỹ và những tổ chức có liên quan trực tiếp.

['Em bé Napalm' nhận Giải thưởng Hòa bình Dresden tại Đức]

Ngoài ra, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng còn lưu trữ nhiều bản đồ cổ về Việt Nam (được sưu tầm ở Mỹ, Pháp và một số nước châu Á trong nhiều năm qua) và hơn 100 bức tranh cổ động về phong trào thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cùng bộ sưu tập tem Việt Nam, tem do thế giới phát hành nhân các sự kiện lịch sử trọng đại của Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng cho biết, có nhiều tài liệu được giải mật của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và các trung tâm, viện nghiên cứu trên thế giới về Việt Nam cũng đã được số hóa, đua vào hệ thống lưu trữ của thư viện.

Thư viện Nguyễn Văn Hưởng lưu trữ hơn 10.000 tư liệu về chiến tranh ảnh 1Thư viện mở cửa từ thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị cho việc thành lập thư viện, chúng tôi đã sưu tầm, tiếp nhận nhiều hiện vật là những tư trang, quân dụng, kỷ vật cá nhân  của bộ đội ta do cựu chiến binh Mỹ đưa từ chiến trường Việt Nam về Mỹ. Số hiện vật này cũng được trưng bày tại thư viện để giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc,” Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng cho hay.

Một số hiện vật tiêu biểu có thể kể đến là lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được các chiến sỹ cách mạng cắm trên cột cờ ở thành cổ Huế, báo hiệu quân ta đã làm chủ thành phố trong năm 1968; lá cờ của Sư đoàn 320 (phần thưởng của Bộ Tổng Tham mưu nhân chiến thắng chiến dịch mùa khô 1968) đã bị bom đạn phá nát một phần…

Phát biểu tại lễ ra mắt thư viện, ông Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, khối tư liệu, hiện vật được lưu trữ, giới thiệu tại đây góp phần giúp công chúng có cái nhìn bình tĩnh, rõ rệt và đa chiều hơn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đây là nguồn tư liệu phong phú và quý giá đối với nhiều đối tượng độc giả khác nhau: sinh viên, nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam (đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ)…

Thư viện Nguyễn Văn Hưởng lưu trữ hơn 10.000 tư liệu về chiến tranh ảnh 2Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được các chiến sỹ cách mạng cắm trên cột cờ ở thành cổ Huế, hiện được lưu giữ tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng. (Ảnh: Vietnam+)

“Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, bổ sung các nguồn tư liệu, sách báo, ấn phẩm ở trong và ngoài nước đồng thời biên dịch, xuất bản những cuốn sách có giá trị phục vụ bạn đọc,” Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng khẳng định.

Thư viện mở cửa từ 8 giờ 30 đến 16 giờ 30 các ngày từ thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần kể từ 14/11./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục