Thu xếp vốn cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ

Ông Nguyễn Duy Nhượng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La cho biết với thế mạnh là tỉnh có nhiều tiềm năng về thủy điện nhưng chủ đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ xây dựng trên địa bàn lại đang gặp khó khăn về thu xếp vốn.

Ông Nguyễn Duy Nhượng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La cho biết với thế mạnh là tỉnh có nhiều tiềm năng về thủy điện nhưng chủ đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ xây dựng trên địa bàn lại đang gặp khó khăn về thu xếp vốn.

Trong 45 dự án thủy điện vừa và nhỏ được tỉnh phê duyệt, có tổng công suất khoảng 503,7 MW, với tổng vốn đầu tư khoảng 10.150 tỷ đồng, mới có 15 dự án thực hiện xong việc ký kết hợp đồng tín dụng với các ngân hàng, tổ chức tín dụng với số vốn 5.120 tỷ đồng.

Có dự án mặc dù đã ký được hợp đồng tín dụng nhưng vẫn chưa được giải ngân như thủy điện Nậm Chim 2. Các dự án còn lại đều đang trong quá trình thương thảo hoặc chủ đầu tư đang tìm phương án thu xếp vốn với nhu cầu vay từ các nguồn như ODA, vay lãi suất ưu đãi khoảng 3.500 tỷ đồng.

Đánh giá của Sở Công Thương Sơn La cho thấy sau khi có Quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ của địa phương, tỉnh Sơn La đã khắc phục được cơ bản tình trạng đăng ký thực hiện dự án nhưng thiếu năng lực thực hiện ở giai đoạn trước đây.

Hầu hết các nhà đầu tư được giao dự án hiện đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư như thỏa thuận mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam; thỏa thuận đấu nối của dự án nhà máy thủy điện với lưới điện quốc gia; thỏa thuận giá bán điện với đơn vị kinh doanh điện; đăng ký hoặc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


Ngoài ra, các nhà thầu cũng đã lấy ý kiến của các ngành, Ủy ban Nhân dân huyện liên quan, thỏa thuận với người dân, bản, xã về việc đền bù giải phóng mặt bằng cho công trình; triển khai các bước đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định. Tuy nhiên, so với tiến độ phê duyệt trong dự án đầu tư, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ từ giai đoạn khởi công đến thi công công trình.

Theo Giám đốc Nguyễn Duy Nhượng, một trong những nguyên nhân khiến chủ đầu tư chưa tích cực triển khai dự án là do thời gian thu hồi vốn kéo dài và giá mua điện hiện tại ở mức thấp (khoảng 3,7cents/kWh) khiến các nhà đầu tư bị lỗ. Bên cạnh đó, một số dự án xa lưới điện quốc gia, chưa thỏa thuận được điểm đấu nối hoặc suất đầu tư lớn dẫn đến hiệu quả kinh tế của dự án thấp như thủy điện Quang Minh, Suối Khoáng, Suối Tấc 1, Suối Tấc 2, Xuân Nha, Nậm Pừn 4.

Năm 2009, nhận định tình hình tài chính có chiều hướng tốt và lãi suất vay đã giảm, để đảm bảo tiến độ các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, Sở Công Thương Sơn La yêu cầu các chủ đầu tư chủ động tìm đối tác có tiềm lực tài chính liên kết cùng hợp tác đầu tư; đồng thời nhóm các nhà đầu tư để cùng tham gia đấu nối một đường dây hạ áp sau đó đưa lên lưới 110kV như vậy sẽ giảm được chi phí.

Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét điều chỉnh giá bán điện phù hợp tổng mức đầu tư điều chỉnh và theo khung giá quy định của Bộ với giá tiệm cận 5,2 cents/kWh; công bố lộ trình giá mua điện; đề xuất việc tính giá mua điện thống nhất theo khu vực làm cơ sở cho các chủ đầu tư tính toán hiệu quả đầu tư và tăng tốc đầu tư.

Mặt khác, tỉnh cũng có ý kiến với Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển tiếp tục hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn.

Về phía Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Sơn La, theo Sở Công Thương sẽ phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư các công trình thủy điện. Các Sở, ban ngành của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng về thủ tục hành chính với thời gian ngắn nhất, giúp đỡ các chủ đầu tư triển khai dự án đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra.

Trong năm nay, Sơn La sẽ đưa vào vận hành 6 dự án thủy điện vừa và nhỏ là Nậm Chim 1, Nậm Chiến 2, Nậm Pia, Nậm Công, Nậm Sọi và Tà Niết, với tổng công suất 86,6MW, cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện mỗi năm khoảng 350 triệu kWh.

Dự kiến đến năm 2011, tỉnh Sơn La sẽ đưa tất cả các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn vào hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục