Thừa Thiên-Huế vừa khắc phục hậu quả mưa lũ, vừa ứng phó với bão số 8

Cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ, bà con tại các vùng trũng ở Thừa Thiên-Huế cũng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp để ứng phó với cơn bão số 8.
Các lực lượng dọn dẹp bùn đất tại khu vực 2 bên bờ sông Hương. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Các lực lượng dọn dẹp bùn đất tại khu vực 2 bên bờ sông Hương. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Gần nửa tháng nay, người dân tỉnh Thừa Thiên-Huế gặp nhiều khó khăn khi liên tiếp chống chọi với 3 đợt lũ lớn. Hiện nay, nước lũ đang xuống nhưng tại nhiều địa phương vẫn còn ngập sâu, có nơi lên đến hơn 1m.

Cùng với việc tập trung khắc phục hậu quả sau mưa lũ, bà con tại các vùng trũng cũng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp để ứng phó với cơn bão số 8.

Tại các thôn vùng trũng xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, nước lũ vẫn còn dâng cao, trong đó thôn Xuân Tùy, Nghĩa Lộ bị cô lập. Để đến những vùng này, chúng tôi phải di chuyển bằng thuyền với sự giúp đỡ của người dân nơi đây. Mưa lũ kéo dài gần nửa tháng qua khiến đời sống của người dân vô cùng khó khăn.

Anh Phạm Văn Tố, trú tại thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, đang chèo thuyền để đến nơi cao mua lương thực.

Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ anh tâm sự: Trong đợt lũ vừa rồi, đa số các hộ dân tại thôn Xuân Tùy đều bị nước lũ tràn vào nhà hơn 1 mét, nhiều đồ đạc trong nhà bị thiệt hại, cả thôn có hàng ngàn con gà bị chết. Hiện nay, mặc dù nước đã xuống nhưng tại nhiều tuyến đường vẫn còn ngập sâu, phương tiện đi lại của bà con chủ yếu là thuyền. Sau khi nghe chính quyền địa phương thông báo có bão thì chúng tôi đã giằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn cho gia đình. Bây giờ tôi chèo thuyền đi mua thức ăn về dự trữ, đề phòng mưa bão kéo dài.

Ông Đào Văn Viên, thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, cho biết, Xuân Tùy là thôn thấp nhất xã Quảng Phú, hiện nay nhiều hộ vẫn ngập, bà con gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Lũ chồng lũ, lũ hôm trước mới rút ra sân thì hôm sau mưa to, lũ lại dâng, lần sau cao hơn lần trước. Lúa má, đồ đạc trong nhà ướt hết, rau màu ngập úng mười mấy ngày nay cũng chẳng còn gì. Nhiều gia đình phải ăn mì tôm sống qua ngày. May mắn nhất là mọi người trong thôn đều an toàn. Hai hôm nay, lại nghe đài thông báo sắp có bão, chúng tôi rất lo lắng. Nhà nào cũng chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết để đảm bảo cuộc sống và an toàn tính mạng trong ngày bão.

[TTXVN quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai, bão lũ]

Xã Quảng Phú có hơn 3.000 hộ dân thì hầu hết đều bị ngập sâu, nước tràn vào nhà. Trong những ngày lũ, chính quyền địa phương đã sơ tán nhiều hộ dân ở những nơi xung yếu tới nơi an toàn.

Sau nước rút, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng từng thôn thực hiện phương châm 4 tại chỗ, vệ sinh đường làng ngõ xóm, cơ quan, vệ sinh tiêu độc khử trùng ở các trường học để học sinh sớm trở lại trường học; đồng thời tổ chức cứu hộ khẩn cấp cho các hộ trên địa bàn, nhất là các hộ vẫn còn bị ngập.

Ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Phú cho biết: Ba đợt lũ liên tiếp trong thời gian qua đã gây thiệt hại rất lớn đối với xã Quảng Phú, ước thiệt hại trên 12,7 tỷ đồng. Hệ thống giao thông, đường sá hư hỏng, tuyến đê Nho Lâm sạt lở hơn 550m.

Hiện địa phương tiến hành rào chắn, cắm biển báo không cho bà con qua lại để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc. Xã đã thành lập ban tiếp nhận hàng cứu trợ để kịp thời chuyển lương thực và nhu yếu phẩm đến bà con.

Thừa Thiên-Huế vừa khắc phục hậu quả mưa lũ, vừa ứng phó với bão số 8 ảnh 1Người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền vẫn bị nước lũ 'bủa vây.' (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Để đối phó bão số 8, địa phương triển khai thông tin khuyến cáo bà con để giằng chống nhà cửa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Hiện nhiều địa phương tại vùng "rốn lũ" Quảng Điền còn ngập sâu trong lũ, có nơi lên tới gần 2m, người dân vẫn phải sử dụng ghe thuyền để đi lại, tiếp tế lương thực. Trong đó, xã Quảng Thành, Quảng An có khoảng 30% hộ dân vẫn còn ngập lụt, cuộc sống của bà con nơi đây rất khó khăn.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Điền cho biết: Để chuẩn bị phòng, chống cơn bão số 8, huyện đã tổ chức họp trực tuyến với các xã, thị trấn và các lực lượng, quán triệt không chủ quan, tuyên truyền vận động bà con thực hiện nghiêm túc giải pháp ứng phó cơn bão này.

Đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ về phương tiện đi lại, phương tiện liên lạc; lương thực, thuốc men; di dời các hộ dân ở vùng ngập sâu, nguy cơ sạt lở đến nơi kiên cố, nhất là những người già neo đơn, thai phụ, người bị bệnh mãn tính. Hiện nay, chúng tôi cũng đang triển khai cung cấp thêm phao cá nhân, phao tròn, đèn pin, thuốc, loa cầm tay cho các địa phương trên địa bàn huyện.

Từ ngày 7/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tiếp xảy ra 3 đợt lũ lớn. Lượng mưa gần như lớn nhất trong lịch sử với trên 1.000mm, tạo ra đợt lũ lớn, nhất là khu vực sông Bồ đã ảnh hưởng đến huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà.

Có thời điểm, mực nước trên sông Bồ, trên báo động III là 0,74m, vượt đỉnh lũ lịch sử 1999. Lũ chồng lũ kéo dài khiến hàng ngàn gia đình đứng trước nguy cơ thiếu đói.

Để hỗ trợ người dân, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn cho người dân, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục hậu quả sau mưa bão, hỗ trợ khẩn cấp cho bà con vùng lũ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xuất cấp và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 thùng mì tôm từ dự trữ lương thực phòng chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ di dời phòng tránh mưa lũ.

Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã cấp cho Thừa Thiên-Huế 1.000 tấn gạo cứu đói ban đầu. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp nhận từ các nguồn hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng và đã có hàng chục ngàn suất quà về với người dân vùng lũ. Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả; đồng thời tổ chức cứu trợ người dân bị ảnh hưởng nặng của mưa bão.

Để ứng phó với tình hình mưa bão, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có công điện khẩn về việc khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt lớn và triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.

Tỉnh yêu cầu các địa phương, tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với những hộ dân bị mất nhà cửa, những hộ ở vùng ngập sâu chia cắt dài ngày; tuyệt đối không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở..

Đồng thời, các địa phương kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục