Thừa Thiên-Huế: Cần 70.000 tỷ đồng đầu tư và đột phá về tư duy quản lý

Tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020 bao gồm 30 dự án thương mại, du lịch, công nghiệp chế biến, đầu tư cơ sở hạ tầng… với tổng số vốn khoảng 70.000 tỷ đồng.
Thừa Thiên-Huế: Cần 70.000 tỷ đồng đầu tư và đột phá về tư duy quản lý ảnh 1Lãnh đạo các bên tại buổi tọa đàm. (Nguồn: BIDV)

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức tọa đàm giới thiệu tiềm năng đầu tư phát triển du lịch giữa Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên Huế và các nhà đầu tư tiềm năng.

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, mặc dù nhiều tiềm năng lợi thế, tuy vậy tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch đánh giá, những năm trở lại đây khách du lịch đến với Huế có tăng trưởng nhưng chậm, không tạo ra đột phá. Huế chủ yếu vẫn dựa vào các di sản, chưa tạo ra được các sản phẩm du lịch mới. Bên cạnh đó, trong mấy chục năm qua Huế chỉ phát triển dự án vừa và nhỏ, khách sạn chủ yếu là phân khúc thấp, khách sạn cao cấp rất thấp chỉ khoảng 700 phòng, chưa bằng 1 khách sạn ở Nha Trang, Phú Quốc hay Đà Nẵng...

Cũng theo ông Tuấn, xu hướng sử dụng dịch vụ chất lượng cao đang ngày càng tăng lên, các khách sạn 3 sao trở xuống không nên khuyến khích đầu tư nữa mà nên hướng nhà đầu tư đầu tư vào các dự án có quy mô lớn và chất lượng cao.

Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV thẳng thắn, Huế trước đây rất chậm rãi, không vội nhưng giờ Huế phải thay đổi, phải có đột phá thực sự cả về tư duy và cách làm. Festival Huế có sự tiến bộ nhưng không có tiếng vang thực sự nên cũng cần phải thay đổi. Đặc biệt, hiện Huế đang thiếu các khu vui chơi giải trí nên không lưu giữ được khách ở lại lâu.

“Huế có nhiều di sản văn hóa nhưng khách không chỉ đến Huế để xem các di sản đó và nghe hò Huế mà du khách còn muốn đến với các khu vui chơi giải trí, muốn được ở những khu sang trọng. Vì vậy tôi mong muốn lãnh đạo Huế cần phải có những cơ chế thông thoáng hơn và mong các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, Sun Group, FLC… hãy đầu tư vào tỉnh này để khách ở lại lâu hơn,” ông Hà nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Quang Bảo, Tổng giám đốc Bitexco cho rằng, thời gian qua doanh nghiệp này đã thấy sự thay đổi tư duy của lãnh đạo tỉnh, cơ chế đã thông thoáng hơn trước. Hiện Bitexco đang nghiên cứu 8 dự án, trong đó có 5 dự án hạ tầng. Tuy nhiên, ông Bảo cũng mong muốn, lãnh đạo tỉnh cần có sự cởi mở hơn, cơ chế chính sách cũng cần thông thoáng hơn, cùng với sự hỗ trợ của BIDV thì sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia và Huế sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Để thu hút đầu tư, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2016-2020 bao gồm 30 dự án thương mại, du lịch, công nghiệp chế biến, đầu tư cơ sở hạ tầng… với tổng số vốn khoảng 70.000 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm, quy mô đầu tư lớn, tính khả thi cao, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch như: Xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển, sân golf, khu đô thị An Vân Dương, Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô….

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: “Bất kỳ lúc nào, lãnh đạo tỉnh cũng sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi, kịp thời giải đáp những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi cam kết luôn luôn đồng hành với doanh nghiệp khi đến tìm hiểu đầu tư làm ăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Chúng tôi luôn chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư các doanh nghiệp đến hợp tác với tỉnh.”

Với mong muốn là cầu nối giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế với các nhà đầu tư, tại tọa đàm, BIDV đã đưa ra một số đề xuất như nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các tour du lịch đặt trong không gian du lịch miền Trung; đẩy mạnh cải cách hành chính trong cấp phép đầu tư; cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến thu hút đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để các nhà đầu tư, khách du lịch dễ dàng và thuận tiện khi xuất nhập cảnh vào Việt Nam; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, xây dựng, giao thông vận tải…

Về phía BIDV, là đơn vị đầu mối phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, BIDV sẽ cân nhắc khả năng tài trợ 5.000 tỷ đồng vốn tín dụng để hỗ trợ cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề có tiềm năng của tỉnh, gồm: du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng và nông nghiệp công nghệ cao./.

Tọa đàm đầu tư vào Thừa Thiên-Huế
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục