Thừa Thiên-Huế phát triển tổ chức vì nạn nhân dioxin

Nhiệm kỳ tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thừa Thiên-Huế tập trung phát triển tổ chức cấp huyện, hội, phường xã, hội viên...
Ngày 2/4, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Đại hội đại biểu tổng kết nhiệm kỳ vừa qua, và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 3 (2013-2018).

Ông Nguyễn Đăng Đoàn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết ngoài sự hỗ trợ của nhà nước theo chế độ cho người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, nguồn lực kinh phí hoạt động của các tổ chức nói trên đều dựa theo mô hình xã hội hóa, từ sự vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước.

Nhiệm kỳ tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung cho một số công việc trọng tâm như phát triển tổ chức cấp huyện, hội, phường xã, hội viên; công tác tuyên truyền, thi đua, kiểm tra, thực hiện chính sách chăm sóc hỗ trợ nạn nhân. Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể liên quan vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam nhất là trong các dịp lễ, Tết, ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8; góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vượt qua chính mình, không mặc cảm tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng...

Hội phấn đấu có ít nhất 70% số phường, xã thành lập cơ sở hội, thu hút thêm hội viên tham gia. Hội hướng tới 3 nội dung trọng tâm là chăm sóc sức khỏe, khắc phục hậu quả môi trường, tạo việc làm thông qua đào tạo nghề để có thu thập trên cơ sở tranh thủ thêm nguồn lực từ các dự án, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước...

Được thành lập từ năm 2004, trong quá trình hoạt động, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển tổ chức hội từ cấp huyện, đến phường, xã và kết nạp hội viên mới.

Trong đó, cấp phường xã tính đến nay đã có 60 đơn vị, thu hút hàng ngàn hội viên tham gia. Hội nạn nhân chất độc da cam huyện A Lưới hiện quản lý 4.227 đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, riêng xã Đông Sơn (nơi có sân bay A So) có 61 người bị tàn tật, bại não, thần kinh, liệt chân tay liên quan đến chất độc dioxin. Đặc biệt trong đó có 27/157 trẻ em dưới 6 tuổi bị tàn tật và 243 người nghi bị nhiễm chất độc da cam.

Huyện Phong Điền có trên 1.000 người nhiễm chất độc da cam, trong đó có 429 người còn sống, hầu hết họ không đủ khả năng phục vụ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người hỗ trợ phần lớn các gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo...

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xây dựng 10 trung tâm nuôi dạy, chăm sóc, đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật nghi nhiễm chất độc da cam do các tổ chức xã hội quản lý điều hành.

Đáng chú ý có các cơ sở dạy nghề như Trung tâm Hy Vọng của Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Thuận Thành; trung tâm dạy nghề của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi; Trung tâm Tương Lai của Văn phòng tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ khuyết tật (Đại học Y Dược Huế); cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật của Phật giáo ở phường Thủy Biều...

Tỉnh Thừa Thiên-Huế còn thường xuyên mở các lớp hòa nhập của một số trường tiểu học dành cho trẻ khiếm thính, khiếm thị, các lớp hòa nhập dành cho trẻ thiểu năng trí tuệ .../.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục