Thừa Thiên-Huế thiếu trầm trọng nơi neo tàu tránh trú bão

Thừa Thiên-Huế hiện có khoảng 30 âu thuyền lớn nhỏ nằm rải rác ở các xã ven biển và đầm phá, chỉ đáp ứng được một nửa số tàu thuyền trên địa bàn vào tránh trú bão.
Thừa Thiên-Huế thiếu trầm trọng nơi neo tàu tránh trú bão ảnh 1Tàu thuyền neo đậu tránh bão. (Ảnh: Viết Ý/TTXVN)

Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có khoảng 30 âu thuyền lớn nhỏ nằm rải rác ở các xã ven biển và đầm phá, chỉ đáp ứng được khoảng một nửa số tàu thuyền hiện có trên địa bàn vào tránh trú bão.

Điều đáng lưu ý là trong khi phần lớn đều tạm bợ, gặp không ít khó khăn khi mùa mưa bão về, thì số âu thuyền hiện đại được đầu tư xây dựng vừa đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây lại chậm tiến độ, hoặc không phát huy hiệu quả theo yêu cầu thiết kế.

Với tổng mức đầu tư gần 35 tỷ đồng, khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải có thiết kế đáp ứng nhu cầu neo đậu tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền các loại từ 20CV trở lên cho ngư dân xã Phú Hải, thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, xã Phú Diên (huyện Phú Vang) và các tỉnh khác nhằm hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão, phát triển bền vững nghề cá.

Tuy nhiên, qua bốn năm sử dụng, luồng tàu vào khu neo đậu Phú Hải bị bồi lắng 300/700m, chiều sâu chỉ còn khoảng 1,5m (thiết kế 2,5m), bề rộng đáy luồng còn khoảng 10m (thiết kế 25m), khó khăn cho tàu thuyền ra vào. Mỗi mùa mưa bão gần đây, chỉ còn khoảng từ 200-300 phương tiện có thể vào tránh trú bão, do luồng lạch bị bồi lấp.

Để xử lý sự cố này, trước mùa mưa bão năm nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao cho ngành nông nghiệp tính toán khơi thông lại luồng lạch cho đảm bảo ra vào của tàu.

Riêng đối với cảng cá Tư Hiền, bất cập là bến cảng cao, chỉ phù hợp cho các tàu lớn trên 90CV trong khi phần lớn tàu của các địa phương trong tỉnh là dưới 20CV, do vậy khó khăn cho tàu cập bờ.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã giao ngành nông nghiệp nghiên cứu đắp thêm bậc lên xuống cảng chính và tạo lập đường lên xuống phần đai hai bên để tạo thuận lợi cho các tàu cá công suất nhỏ neo đậu.

Trong khi đó, dự án khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) có tổng mức đầu tư 58,7 tỷ đồng; có thể neo đậu tránh trú bão cho khoảng 420 tàu cá có công suất từ 35-200CV không đáp ứng được yêu cầu tiến độ đề ra.

Theo hợp đồng đã ký kết, dự án đưa vào sử dụng cuối tháng 9/2014; nhưng đến nay, các đơn vị thi công chỉ đạt khoảng 33% khối lượng, với tổng số vốn đã bố trí khoảng 25 tỷ đồng, còn rất xa so với yêu cầu, trong khi ở Thừa Thiên-Huế mùa mưa đang cận kề.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 1.736 phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển và rất nhiều phương tiện thuyền bè khác của các hộ dân sống trên đầm phá.

Trên sông Hương cũng có đến hàng trăm phương tiện của dân vạn đò, trên 120 tàu thuyền phục vụ cho cả Huế.

Thị trấn Thuận An hiện có 370 tàu thuyền, trong đó gần 40 phương tiện đánh bắt xa bờ; mỗi lần nghe tin bão, bà con lại đưa tàu vào vịnh trú ẩn.

Mặc dù vẫn biết điều kiện neo đậu ở đây hết sức sơ sài, thiếu an toàn, nhưng không có cách nào khác; trong khi đó, không ít các phương tiện phải đi xa hàng kilômét, ra xã Hải Dương, thị xã Hương Trà hoặc ngược lên các con sông ở thành phố Huế để tránh trú bão.

Ông Hoàng Phước, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) cho biết việc thiếu âu thuyền tránh bão không chỉ gây khó khăn cho bà con về nơi neo đậu, mà còn ảnh hưởng đến vấn đề phát triển đánh bắt hải sản ở địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục