Thừa Thiên-Huế trồng rừng ngập mặn thích ứng biến đổi khí hậu

Sau gần 2 năm triển khai (từ tháng 11/2012 đến nay), tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trồng được hơn 23.000 cây ngập mặn.
Thừa Thiên-Huế trồng rừng ngập mặn thích ứng biến đổi khí hậu ảnh 1(Ảnh minh họa: Xuân Tùng/TTXVN)

Sau gần 2 năm triển khai (từ tháng 11/2012 đến nay), tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trồng được hơn 23.000 cây ngập mặn, gồm trên 10.000 cây trồng tập trung, và hơn 13.000 cây trồng phân tán, với tỷ lệ cây sống đạt trên 85%.

Đây là kết quả phối hợp giữa Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Thừa Thiên-Huế với nhà tài trợ Microsoft.

Từ những kết quả này, Tập đoàn Microsoft cam kết tiếp tục tài trợ cho Thừa Thiên-Huế nhân rộng các mô hình để mở rộng diện tích cây ngập mặn trở thành những lá chắn bảo vệ tự nhiên cho cộng đồng và môi trường sinh thái.

Thông qua dự án, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Thừa Thiên-Huế đã tìm ra được bộ giống thích hợp để phát triển diện tích rừng ngập mặn, với nhóm cây trồng chính là đước đôi, vẹt khang và bần chua.

Tỉnh cũng đã chủ động hoàn toàn công nghệ sản xuất giống ngập mặn phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù của từng vùng trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai phục vụ cho việc trồng rừng.

Để mở rộng diện tích rừng ngập mặn, dự án nói trên cũng đã tổ chức bốn lớp tập huấn, đào tạo, phổ biến cho hơn 100 lượt người dân địa phương về vai trò, ý nghĩa, giá trị của rừng ngập mặn; kỹ thuật xây dựng vườn ươm, thu hái, gieo ươm và sản xuất giống cây ngậm mặn; kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng ngập mặn.

Trước đó, Cục Hợp tác và Phát triển Hà Lan đã hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên-Huế trồng thử nghiệm 4.000m2 với 2.200 cây ngập mặn tại Cồn Tè (1.800 cây bần chua, 200 cây mắn, 200 cây sú); với tỷ lệ cây sống trên 80%, chiều cao cây trung bình cao hơn 1,5m; trong đó có nhiều cây đã ra hoa kết trái.

Hiện ở Cồn Tè, Cục Hợp tác và Phát triển Hà Lan tiếp tục tài trợ để trồng mở rộng thêm 2,5ha rừng ngập mặn và đã trồng phân tán được hơn 4.000 cây ngập mặn. Đây hiện được xem là nơi trồng cây ngập mặn thành công nhất tại Thừa Thiên-Huế.

Từ thành công của các mô hình nói trên, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang phấn đấu trồng 300 ha diện tích rừng ngập mặn, tập trung chủ yếu ở vùng ven phá của thị xã Hương Trà, Lăng Cô (huyện Phú Lộc), trong đó, khu vực Cồn Tè, xã Hương Phong (thị xã Hương Trà) có 70ha nhằm tăng khả năng phòng hộ ven biển, ven đầm phá và thích ứng với biến đổi khí hậu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục