Thừa Thiên-Huế xây 42 bãi đỗ ôtô, trả lại mỹ quan cho thành phố

Thiếu bãi đỗ xe ôtô trong khi sự phát triển của loại phương tiện này tăng nhanh khiến các tuyến phố ở thành phố Huế trở nên khá lộn xộn, làm mất mỹ quan đô thị.
Thừa Thiên-Huế xây 42 bãi đỗ ôtô, trả lại mỹ quan cho thành phố ảnh 1Xe ôtô để dưới lòng đường ở thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Thiếu bãi đỗ xe ôtô trong khi sức ép về phát triển loại phương tiện này tăng nhanh là nguyên nhân gây nên tình trạng lộn xộn trên các tuyến phố ở thành phố Huế hiện nay, làm mất mỹ quan của thành phố du lịch.

Trước thực tế này, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên-Huế từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 15 bến xe (trong đó 11 bến xe khách, 4 bến xe hàng) và 42 bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh (khu đô thị trung tâm và các đô thị, dân cư mới), điểm, khu du lịch; các thị trấn, thị tứ…

Toàn bộ mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh phải được gắn kết thành một hệ thống thống nhất; hình thành mạng lưới liên hoàn kết nối các vùng kinh tế động lực trong tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đảm bảo mối liên hệ với hệ thống giao thông của vùng, cả nước; đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2020.

Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã từng bước đầu tư hệ thống các bến xe ra ngoài trung tâm thành phố Huế (bến xe phía Nam, bến xe phía Bắc); cải tạo, nâng cấp, mở rộng bến xe Đông Ba; xây dựng lại bến xe du lịch Nguyễn Hoàng để phục vụ nhu cầu đỗ xe của doanh nghiệp, người dân.

Xây dựng mới bến xe ở khu vực Chân Mây-Lăng Cô và ở trung tâm mỗi huyện lỵ có một bến xe. Tỉnh bố trí các điểm đỗ, nghỉ cho xe đường dài trên tuyến quốc lộ phù hợp quy hoạch ngành giao thông vận tải.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế cho biết, Huế là đô thị trung tâm của tỉnh, là cố đô của Việt Nam, thành phố Festival và du lịch đặc sắc của cả nước nên mật độ dân cư đông đúc (350.000 người/72km2, bình quân 4.800 người/km2).

Bên cạnh đó, lượng du khách đến Huế tham quan du lịch rất lớn (khoảng 3 triệu-3,2 triệu lượt khách/năm). Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đô thị của Huế được xây dựng từ lâu, lòng đường hẹp, chiều dài đường phố ngắn, cao độ nền đường thấp, lượng xe cộ quá dày đặc, nhất là trong những năm gần đây ôtô tư nhân (không kể các dịch vụ ôtô vận tải, ôtô du lịch và taxi) phát triển mạnh mẽ gây nên tình trạng lộn xộn trên các tuyến phố ở Huế hiện nay.

Hiện tại, dọc trên các tuyến đường trung tâm thành phố như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Thúc Nhẫn, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học, Bến Nghé, Hà Nội, Hùng Vương… vào bất cứ thời điểm nào cũng thấy xe ôtô đậu dọc đầy đường. Điều này vừa làm mất mỹ quan của thành phố vừa ảnh hưởng rất lớn cho việc giao thông đi lại của người dân.

Riêng đối với vận tải khách du lịch thì cũng trong tình trạng chung, nảy sinh nhiều "xe dù," "bến cóc." Về vấn đề này, Thượng tá Lê Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Huế thừa nhận, tình trạng "xe dù," "bến cóc" dù luôn được chấn chỉnh, nhưng vẫn còn tồn tại và ngày càng phức tạp, chung quy cũng do thiếu bãi đỗ xe.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục