Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực truyền thông

Có đến 92% số tranh ảnh trên báo là về nam giới, các bài báo chủ yếu của nhà báo nam, trên các trang nhất, đàn ông luôn lấn át phụ nữ.
Tại hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong truyền thông” ông Arve Loberg, Tổng biên tập tờ báo Tronder Avisa, Na Uy cho biết hiện nay trên thế giới có đến 92% số tranh ảnh trên báo là về nam giới, các bài báo chủ yếu là của nhà báo nam, trên các trang nhất, đàn ông luôn lấn át so với phụ nữ...

Ông Arve Loberg cho biết như vậy tại hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới trong truyền thông” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Trẻ em, Bình đẳng và Hòa nhập xã hội Na Uy tổ chức ngày 10/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED), phụ nữ hiện diện trong bản tin trên thế giới chỉ chiếm 24%, còn ở Việt Nam là 25%. Tại Việt Nam, phụ nữ chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực nghệ thuật, lễ kỷ niệm (37%), khoa học, sức khỏe (24%), trong khi ít thấy trong lĩnh vực chính trị (11%). Cả bản tin của Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu, phụ nữ hầu như không được đề cập đến như là chuyên gia hay là những người có quyền lực, mà chủ yếu dưới vai trò “ý kiến quần chúng” (34%).

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, với những sản phẩm quảng cáo liên quan đến gia đình như nước lau sàn, nước rửa bát, nồi cơm điện, thực phẩm... thì các nhân vật chính đều là phụ nữ, trong khi hình ảnh người đàn ông xuất hiện trong các quảng cáo như xe máy, xe hơi, điện thoại di động... Những kiểu quảng cáo này đã thể hiện tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ, tạo sự bất bình đẳng giới.

Trong lĩnh vực lao động việc làm, nhiều quảng cáo công việc xuất hiện trên báo chí cũng thể hiện rằng giới không chỉ quyết định đến công việc cụ thể, mà tuổi tác, chiều cao đối với nam và nữ cũng được chi tiết hóa và người xem dễ dàng nhận ra sự bất lợi, thiệt thòi rơi vào nữ giới.

Tại hội thảo, bà Karin Hopve, Bộ Trẻ em, Bình đẳng và Hòa nhập xã hội Na Uy cho rằng cần phải thúc đẩy tính công bằng, phá vỡ văn hóa "im lặng" của nữ giới, nâng cao quyền năng của họ cũng như khả năng tiếp cận Internet.

Theo đại diện Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cần nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng truyền thông về giới cho phóng viên đồng thời xây dựng tiêu chí về nhạy cảm giới trong truyền thông để áp dụng trong các cơ quan thông tấn, báo chí như loại bỏ nội dung tuyên truyền mang tính định kiến giới, khuyến khích sự năng động sáng tạo của nữ giới, cân bằng hình ảnh minh họa giữa nam giới và nữ giới, không sử dụng các hình ảnh mang tính xúc phạm giới...

Trong tham luận gửi tới hội thảo, bà Nguyễn Thị Thục Hạnh, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam cho rằng cần đẩy mạnh giáo dục về giới trong nhà trường; đưa vấn đề giới trong truyền thông vào khoa báo chí truyền thông của đại học; tổ chức hoạt động thường xuyên của mạng lưới các nhà báo viết về các vấn đề giới; các cơ quan Nhà nước cần chủ động cung cấp thông tin giới và cảnh báo những thông tin “sạn” giới cho cơ quan báo chí.

Báo chí cũng cần dành sự quan tâm thích đáng cho các chủ đề về giới với tư cách là một yếu tố quan trọng của sự phát triển bền vững; công bằng hơn trong truyền thông, không áp đặt cách nhìn từ phía nam giới.

Theo Cục Báo chí xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông: Hội nhà báo Việt Nam có hơn 17.500 hội viên trong đó 30% là nữ. Phụ nữ Việt Nam vừa là chủ thể vừa là khách thể trong hoạt động truyền thông. Truyền thông là công cụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả nhất ở Việt Nam để phụ nữ biết về quyền của họ và tạo điều kiện để họ thực hiện tốt quyền đó. Hiện có hàng chục triệu phụ nữ đang là chủ nhân của các trang mua sắm điện tử, và chính họ đang ở trong “thời đại vàng” của Internet./.

Trần Xuân Tình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục