Thúc đẩy đầu tư, hợp tác phát triển VN-Luxembourg

Chuyến thăm lần này của Đại Công tước Henry thể hiện chính sách coi trọng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam của Luxembourg.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đại Công tước Henry của Đại Công quốc Luxembourg sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 7-10/11. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Đại Công tước Henry trên cương vị đứng đầu Đại Công quốc Luxembourg.

Tháp tùng Đại Công tước có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, lãnh đạo một số bộ, ngành và đại diên một số tập đoàn kinh tế của Luxembourg.

Trong những năm qua, Luxembourg luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất EU (2,7% năm 2010, dự báo năm 2011 là 3,4%). Thu nhập bình quân GDP đứng thứ hai thế giới và cao nhất trong EU. Các lĩnh vực thế mạnh là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hóa chất, cao su, thực phẩm. Khu vực dịch vụ nói chung và dịch vụ tài chính ngân hàng nói riêng là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng (tài chính-ngân hàng hiện đóng góp 28% GDP của Luxembourg).

Việt Nam và Luxembourg thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/11/1973. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở Luxembourg có “Ủy ban ủng hộ Việt Nam” do Đảng Cộng sản làm nòng cốt. Luxembourg đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và đề nghị Việt Nam ủng hộ Luxembourg ứng cử vào vị trí này nhiệm kỳ 2013-2014.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg. Đại sứ quán Luxembourg tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam. Luxembourg đã mở Văn phòng Hợp tác phát triển tại Hà Nội.

Đến tháng 8/2011, Luxembourg có 20 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 1,1 tỷ USD (đứng thứ 21/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam), tập trung vào một số lĩnh vực: công nghiệp xây dựng, công nghiệp chế biến thực phẩm, thông tin truyền thông và công nghệ cao. Quy mô bình quân vốn đầu tư đạt gần 61 triệu USD/dự án, tương đối cao so với các nước khác. Hiện Luxembourg có 2 dự án lớn là phát triển mạng điện thoại di động và xây dựng-kinh doanh tổ hợp Văn phòng, căn hộ 65 tầng.

Trao đổi thương mại giữa hai nước còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 5-6 triệu USD/năm trong giai đoạn trước, nhưng tăng mạnh vào năm 2009 với kim ngạch 19 triệu USD, năm 2010 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 26,4 triệu USD và tính đến hết tháng 9/2011 đã đạt hơn 25 triệu USD. Hàng xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ. Việt Nam nhập sắt thép, nguyên liệu da và nguyên liệu thuốc lá.

Sau khi chính thức viện trợ cho Việt Nam từ năm 1993, Luxembourg cam kết tiếp tục viện trợ cho Việt Nam và trở thành thành viên chính thức của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 1998. Tháng 3/1999, Cơ quan Hợp tác Phát triển Luxembourg đề ra “Chiến lược hợp tác phát triển giữa Đại Công quốc Luxembourg và Việt Nam”, khẳng định Việt Nam là nước đứng đầu châu Á và là một trong 10 nước trọng điểm trong Chương trình Hợp tác Phát triển của Chính phủ Luxembourg. Ngày 2/3/2011, hai bên đã ký Chương trình Hợp tác định hướng giai đoạn 2011-2015 tại Hà Nội.

Luxembourg cam kết tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam 42 triệu Euro tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển nông thôn, y tế, đào tạo về du lịch, tài chính và ngân hàng. Bên cạnh đó còn một số dự án hợp tác 3 bên Luxembourg-Việt Nam-Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Dân số Liên hợp quốc về chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình. Một số Chương trình dự án tiêu biểu như Dự án cung cấp dây chuyền lạnh trong lĩnh vực y tế giúp bảo quản, vận chuyển vắcxin và máu xuống địa phương; Dự án Phát triển dịch vụ y tế Hưng Yên; Dự án Đào tạo nghiệp vụ du lịch; Dự án phát triển nông thôn và môi trường tại Nghệ An…

Hợp tác văn hóa giữa hai nước thời gian qua đã có những phát triển mới. Hai bên đã phối hợp tổ chức “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Luxembourg và Triển lãm tranh Luxembourg tại Việt Nam” dự kiến sẽ tổ chức “Ngày phim Việt Nam tại Luxembourg ” vào quý 3/2012.

Chuyến thăm lần này của Đại Công tước Henry thể hiện chính sách coi trọng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, hợp tác phát triển. Ngoài ra, hai bên sẽ trao đổi những vấn đề khu vực, quốc tế, một số vấn đề toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, tài chính, biến đổi khí hậu, bệnh dịch… nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Luxembourg trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và ASEM./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục